Cần tăng cường sự giám sát của người dân để nâng cao chất lượng quản lý thị trường

(SHTT) - Với những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, các lãnh đạo thuộc Tổng Cục QLTT nhận đinh, bên cạnh việc tăng cường phối hợp dọc - ngang, ngành cũng cần tìm ra các giải pháp để tăng cường sự giám sát của người dân để nâng cao chất lượng giám sát, quản lý thị trường.

Báo cáo tình hình hoạt động trong 6 tháng năm 2022 của quản lý thị trường Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội nhấn mạnh, lực lượng đã có sự phối hợp tốt với các lực lượng chức năng, ban, ngành khác, đều có quy chế làm việc chung và riêng với các ngành. Hiện nay, Hà Nội đã ký quy chế làm việc với Công an thành phố hà nội, hải quan, Sở Công Thương và quy chế chung với 9 ngành khác của thành phố Hà Nội, Làm việc thông tin rất tốt.

“Trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch, găm hàng, quản lý xăng dầu… lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp lực lượng chức năng khác rất tốt. Nhất là Hà Nội có thời điểm chuẩn bị điều chỉnh giá, chúng tôi đều phối hợp công an địa phương xuống các cây xăng, đều có thông tin giám sát chặt chẽ và có đường dây nóng và dán vào các cây xăng”, ông Chu Xuân Kiên cho hay.

 

Trong khi đó, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Thanh Hóa Nguyễn Văn Hùng thông tin, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tổng cục QLTT, của Bộ Công Thương, các cấp lãnh đạo, QLTT tỉnh đã tập trung toàn lực triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng. Nửa đầu năm, QLTT Thanh Hóa đã kiểm tra 820 vụ việc, xử lý 641 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo Quyền Cục trưởng Nguyễn Văn Hùng, đối với lĩnh vực xăng dầu, trong nửa đầu năm, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Yêu cầu các Đội QLTT thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, ký cam kết không để xảy ra tình trạng găm hàng chờ tăng giá, ngừng kinh doanh, bán hàng nhỏ giọt.

Liên quan đến công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian qua, Tổng cục QLTT phối hợp Vụ Thị trường trong nước xây dựng chương trình văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định liên quan đến xăng dầu, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, khí; tham gia phối hợp Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đáng chú ý, phối hợp tốt quản lý kinh doanh xăng dầu, an toàn thực phẩm…

Tương tự, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số - cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục QLTT và Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số trong thời gian qua, nhất là việc phòng, chống những hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử. Chẳng hạn, trong năm 2021, Cục đã phối hợp với lực lượng QLTT, lực lượng công an, cung cấp thông tin và phối hợp trong việc xử lý vi phạm với 250 trường hợp website, sàn thương mại điện tử bị quét sai phạm.Trong 6 tháng đầu năm, Cục đã phối hợp với công an, quản lý thị trường các địa phương xử lý 122 trường hợp.

Ngoài sự phối hợp của các đơn vị trong ngành, lực lượng QLTT cũng cần có giải pháp tăng cường sự giám sát của người dân và công luận với hoạt động của lực lượng.

Nguyễn Huế