Công cụ AI giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tụy thông qua ảnh chụp CT

(SHTT) - Công cụ AI mới do một Trung tâm Y tế ở Mỹ phát triển có thể phát hiện sớm ung thư tuyến tuỵ dựa trên ảnh chụp CT, giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc loại ung thư này.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer Biomarkers mới đây, một công cụ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) do các chuyên gia của Trung tâm Y tế Cedars-Sinai Cedars-Sinai (Mỹ) phát triển đã dự đoán chính xác những đối tượng sẽ mắc bệnh ung thư tuyến tụy dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) nhiều năm trước khi được chẩn đoán mắc bệnh.

Phát hiện này có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ tử vong thông qua việc xác định sớm một trong những bệnh ung thư khó điều trị nhất hiện nay. 

Người đứng đầu nghiên cứu, Tiến sĩ Debiao Li, cho biết: "Công cụ AI này có thể tìm kiếm và định lượng các dấu hiệu ban đầu rất tinh vi của ung thư biểu mô tuyến tụy qua chụp CT”. Được biết, ông Li là Giám đốc Viện Nghiên cứu Hình ảnh Y sinh, đồng thời là giáo sư Khoa học Y sinh và Hình ảnh tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai.

 Ung thư tuyến tuỵ là bệnh rất khó phát hiện sớm ngay cả ở những nước phát triển

Ung thư biểu mô tuyến tụy không chỉ là loại ung thư tuyến tụy phổ biến nhất mà còn có tỷ lệ tử vong cao nhất. Chưa đến 10% bệnh nhân sống qua 5 năm sau khi được chẩn đoán hoặc bắt đầu điều trị. Nhưng các nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng việc phát hiện ung thư sớm có thể tăng tỷ lệ sống sót lên tới 50%. Tuy nhiên, trình độ y học hiện tại vẫn chưa có phương pháp cụ thể nào nhằm phát hiện sớm ung thư tuyến tụy.

Những người mắc loại ung thư này thường gặp các triệu chứng như đau bụng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân, song những dấu hiệu này hay bị bỏ qua vì chúng khá phổ biến và gặp ở nhiều loại bệnh khác nhau.

Bác sĩ y khoa Stephen J. Pandol, Giám đốc Nghiên cứu tuyến tụy Cơ bản và Tịnh tiến, giám đốc của Chương trình Học bổng Tiêu hóa tại Cedars-Sinai, và là đồng tác giả của nghiên cứu chia sẻ: “Tựu chung, công cụ AI này có thể được sử dụng để phát hiện bệnh sớm ở những người phải chụp CT do đau bụng hoặc các vấn đề khác”.

Các chuyên gia điều tra đã xem xét hồ sơ y tế điện tử để xác định những người được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tuỵ trong vòng 15 năm qua và những người đã thực hiện chụp CT từ sáu tháng đến ba năm trước khi được chẩn đoán mắc bệnh. Những hình ảnh CT này phản ánh tình trạng sức khoẻ hoàn toàn bình thường vào thời điểm chúng được chụp. Nhóm nghiên cứu đã xác định được 36 bệnh nhân đáp ứng các tiêu chí trên, phần lớn trong số họ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính CT vì đau bụng.

Công cụ AI mới có thể tìm kiếm và định lượng các dấu hiệu ban đầu rất tinh vi của ung thư biểu mô tuyến tụy qua ảnh chụp CT

Công cụ AI được lập trình để phân tích những hình ảnh CT trước chẩn đoán từ những người bị ung thư tuyến tụy và so sánh chúng với hình ảnh CT từ 36 người không phát triển ung thư. Theo đó, mô hình này chính xác đến 86% trong việc xác định những người cuối cùng sẽ mắc bệnh ung thư tuyến tụy và những người sẽ không phát triển ung thư.

Mô hình AI đã thu thập các biến thể trên bề mặt của tuyến tụy giữa những người bị ung thư và những người khỏe mạnh. Những khác biệt về kết cấu này có thể là kết quả của những thay đổi phân tử xảy ra trong quá trình phát triển của ung thư tuyến tụy.

Tiến sĩ Touseef Ahmad Qureshi, nhà khoa học tại Cedars-Sinai và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu bày tỏ kỳ vọng công cụ này có khả năng phát hiện ung thư đủ sớm để giúp nhiều người có thể cắt bỏ hoàn toàn khối u của họ thông qua phẫu thuật. 

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu hiện đang thu thập dữ liệu từ hàng nghìn bệnh nhân tại các địa điểm chăm sóc sức khỏe trên khắp nước Mỹ để tiếp tục nghiên cứu khả năng dự đoán của công cụ AI.

Ngọc Đỗ