Hải Dương: Cấp nhãn hiệu tập thể cho 29 nông sản

(SHTT) - Thời gian qua, việc quan tâm xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã có nhiều tác động tích cực, góp phần nâng cao giá trị một số mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương.

 Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương có 29 sản phẩm nông nghiệp đã được cấp nhãn hiệu tập thể. Đây đều là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương như: mỳ gạo Lộ Cương, bánh đậu xanh (TP Hải Dương); chanh, quất, ổi, vải thiều, bưởi Thanh Hồng (Thanh Hà); rau an toàn Phạm Kha, bánh đa Hội Yên, gạo bắc thơm (Thanh Miện); nếp cái hoa vàng, hành, tỏi (Kinh Môn); nếp Quýt, củ đậu (Kim Thành); gà đồi, nhãn, na (Chí Linh); hành (Nam Sách); rươi, cáy (Tứ Kỳ); bánh gai (Ninh Giang); giầy da Hoàng Diệu (Gia Lộc)... Trong đó, vải thiều Thanh Hà là sản phẩm duy nhất trong tỉnh đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Có thể thấy để quản lý và khai thác tốt giá trị từ nhãn hiệu tập thể, cần sự nỗ lực từ phía chủ sở hữu nhãn hiệu và từng cá nhân thành viên là người trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý, khai thác các nhãn hiệu tập thể vẫn còn nhiều bất cập. Công tác kiểm soát việc tuân thủ quy chế quản lý, đặc biệt là quy trình kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tại một số đơn vị sở hữu nhãn hiệu tập thể vẫn chưa được thường xuyên. Ý thức người sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.

 

Mặt khác, công tác quảng bá, giới thiệu nông sản mang nhãn hiệu tập thể chưa được chủ sở hữu nhãn hiệu chú trọng, việc đầu tư in nhãn mác, hệ thống nhận diện phục vụ thương mại sản phẩm chưa được quan tâm. Chủ sở hữu nhãn hiệu chưa đảm đương tốt trách nhiệm của đơn vị đầu mối để xúc tiến thương mại, khai thác thị trường cho sản phẩm.

Trước những bất cập đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát để xây dựng và bảo hộ cho các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể đã xây dựng, quan tâm hoạt động quảng bá cho các nông sản đã xây dựng được thương hiệu… 

Đồng thời, việc phát triển sản phẩm sau bảo hộ đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm bởi những lợi ích thiết thực cũng như hiệu quả kinh tế mang lại. Trong đó, vấn đề đặt ra là sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý, tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất để phát triển giá trị sản phẩm. Có như vậy, các sản phẩm được cấp Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể nói riêng và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nói chung mới tăng sức cạnh tranh và phát triển thị trường.

Minh Anh