Sinh viên đề xuất cách hạn chế dùng sách, giáo trình photocopy?

Trợ giá sách, mở rộng nguồn sách thư viện, số hóa sách,… là các đề xuất của sinh viên để hạn chế sách, giáo trình photocopy.

Khi các tiệm photocopy trước cổng trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM bày bán công khai những bản sao sách và giáo trình, nhiều người đặt ra câu hỏi có phải sinh viên đang “quay lưng” với tài liệu chính thống?

Thực tế, những khoản chi dành cho sách, giáo trình gốc là một gánh nặng không nhỏ với mỗi sinh viên khi phải học rất nhiều môn trong một học kì. Sở dĩ, sinh viên sử dụng sách và giáo trình photocopy vì không tìm thấy được bản gốc, hoặc sách ở thư viện quá ít không đủ cung cấp, cùng với đó, sinh viên phải chi trả một số tiền không nhỏ cho 6 - 7 cuốn giáo trình một học kì.

Sách ngoại ngữ photocopy được bày bán công khai trong tiệm với giá rẻ. 

Hạn chế sử dụng sách, giáo trình photocopy trong nhà trường là một vấn đề không mới, nhưng để giải quyết một cách triệt để đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.

Ngọc Uyên (sinh viên năm 4, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: “Để hạn chế việc sử dụng sách, giáo trình photocopy trong nhà trường, cần phải nâng cao ý thức của sinh viên, người làm công việc in ấn về sở hữu trí tuệ, mọi người cần biết việc sử dụng sách giáo trình photocopy là vi phạm pháp luật".

Theo Ngọc Uyên, các trường cần có quy định và các biện pháp nghiêm cấm, xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là làm rõ trường hợp nào được phép và không được phép photocopy.

Thư viện trường mở rộng nguồn sách mượn, số hóa sách cho phép sinh viên truy cập trực tuyến. Các nhà xuất bản hay các đơn vị phát hành có chương trình trợ giá cho sinh viên hay kết hợp với trường phát triển các chương trình, phần mềm giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với giáo trình như số hóa…

Các doanh nghiệp, các tổ chức có thể góp phần tài trợ, xem việc "phổ cập giáo trình" trong môi trường đại học như một dự án đem lại lợi ích về lâu dài.

Cũng đồng quan điểm trên, Bích Phượng (sinh viên năm 3, Trường Đại học Mở TP.HCM) nói: “Nhà trường cần có những hỗ trợ để giảm thiểu gánh nặng về kinh tế cho sinh viên và phụ huynh. Nhà trường có thể lập các kênh truy cập tài liệu online,... Ứng dụng thông tin 4.0 được sử dụng rộng rãi không những hiệu quả mà còn mang lại lợi ích kinh tế.

Các web thư viện online sẽ giúp sinh viên tra cứu giáo trình trên mạng một cách dễ dàng, sinh viên chỉ cần nộp 1 khoản phí là có thể tra cứu nhiều tài liệu, vừa thu được tiền, vừa có tài liệu cho sinh viên, vừa hạn chế tình trạng photocopy sách trái phép”.

"Để hạn chế sử dụng sách photocopy thì nhà trường bán sách gốc có trợ giá cho sinh viên hoặc số hóa sách cho sinh viên sử dụng",  Huy Hoàng (sinh viên năm 3, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) chia sẻ.

Giáo trình gốc được bày bán cả bản giấy và bản điện tử trên các trang của NXB.  

Thời gian qua một số trường đại học, cao đẳng hằng năm vẫn tìm cách hỗ trợ để sinh viên tiếp cận được với sách, giáo trình gốc bằng cách trợ giá. Các câu lạc bộ thuộc các khoa vẫn tổ chức các chương trình quyên góp sách, giáo trình cho tân sinh viên sinh.

Thế nhưng, sách trợ giá vẫn chưa thấm vào đâu vì số lượng sinh viên đông, sách không đủ cung cấp. Chính vì vậy việc số hóa sách, giáo trình gốc ở thư viện đòi hỏi phải nhanh và đầy đủ để cung cấp cho sinh viên trước mỗi học kì.

“Việc sử dụng tác phẩm photocopy, sao chép trái phép cũng được xem là hành vi làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến quyền tài sản của tác giả. Nghị định 131/2013/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt đối với hành vi tàng trữ tác phẩm bị sao chép lậu với mức phạt tiền từ 5 triệu đồng - 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc xử lý trường hợp này tùy trường hợp với tính chất và mức độ cụ thể có thể nhắc nhở, cảnh cáo theo quy chế, nội quy của từng đơn vị, cơ quan, tổ chức”, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết.

Võ Liên