Cần trọng trước hình thức giả mạo 'Cảnh sát hình sự' chiếm đoạt tài sản

(SHTT) - Theo thông tin từ Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), đơn vị này hiện đang thực hiện xác minh, điều tra theo đơn trình báo đối tượng giả danh cán bộ công an lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới 300 triệu đồng.

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, vào ngày 1/4 vừa qua, Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận đơn trình báo của chị Q (sinh năm 1990 ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo đơn trình báo, sáng 30/3, chị Q có nhận được cuộc gọi của một đối tượng nữ, giới thiệu là nhân viên bưu điện và thông báo chị có một bưu phẩm của ngân hàng chi nhánh Đà Nẵng ghi khoản nợ là 40 triệu đồng. Người này yêu cầu chị phải thanh toán khoản nợ nếu không sẽ báo cơ quan công an.

Sau đó có một nam giới gọi điện cho chị Q xưng là Đội trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Đà Nẵng. Đối tượng có nói chị Q bị lộ thông tin cá nhân và liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma tuý rồi yêu cầu chị Q đến Công an thành phố Đà Nẵng làm việc. 

Do chị Q nói không đến được Đà Nẵng nên đối tượng yêu cầu chị tải App "Thay đổi bảo mật" rồi đăng nhập tài khoản ngân hàng để xác minh. Sau đó chị Q phát hiện tài khoản của mình bị mất 300 triệu đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương. Tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

 

Được biết, trước đó, Công an TP Đà Nẵng cũng phát đi thông tin cảnh báo về việc liên tục xuất hiện những đối tượng giả danh là cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... không làm việc trực tiếp mà điện thoại hoặc thông qua Zalo, Viber... liên lạc, hù dọa, yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mở tài khoản ngân hàng, cung cấp mã OTP* hoặc yêu cầu người dân nộp tiền, chuyển tiền để xác minh, giải quyết các vụ án nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Theo thông tin từ Công an TP Đà Nẵng, qua quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lực lượng chức năng đã phát hiện các đối tượng hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo.

Đa phần các tài khoản này là của người dân vì hoàn cảnh khó khăn hoặc do bị dụ dỗ, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho tội phạm sử dụng làm công cụ thực hiện lừa đảo trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, thời gian qua xuất hiện nhiều thủ đoạn đối tượng giả danh là cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... không làm việc trực tiếp mà điện thoại hoặc thông qua mạng xã hội Zalo, Viber... liên lạc, hù dọa, yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mở tài khoản ngân hàng, cung cấp mã OTP (mật khẩu chỉ sử dụng 1 lần được ngân hàng tạo ra gửi đến số điện thoại chủ tài khoản nhằm xác nhận giao dịch) hoặc yêu cầu người dân nộp tiền, chuyển tiền để xác minh, giải quyết các vụ án nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Trước thực trạng này, Công an TP Đà Nẵng khuyến nghị người dân không tài khoản ngân hàng sau đó chuyển cho người khác sử dụng, người dân cần mang giấy tờ cá nhân đến ngân hàng để làm thủ tục đóng tài khoản đó nhằm bảo vệ mình, đồng thời ngăn chặn các đối tượng sử dụng tài khoản làm công cụ phạm tội.

Đồng thời, người dân cũng không thực hiện cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, ví điện tử và mã OTP cho những người lạ hoặc chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ, cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục pháp lý, từ đó đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tài sản.

Thái An