Cuộc thi Sáng kiến Khoa học: 10 dự án được bình chọn cao nhất

(SHTT) - Cuộc thi Sáng kiến Khoa học - Creative Science Contest là sân chơi cho những người yêu khoa học, công nghệ; hướng tới các nhà khoa học chuyên và không chuyên.

 Cuộc thi Sáng kiến Khoa học được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn "bình thường mới". Chính phủ kỳ vọng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cung cấp những giải pháp mới, công cụ hiệu quả cho việc phòng và chống đại dịch, và ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống để kiến tạo và phát triển kinh tế.

Trong tuần từ 4/4 đến 8/4, Ban giám khảo và Ban tổ chức sẽ xét duyệt 88 hồ sơ có trên trang chương trình để lựa chọn ra 30 sản phẩm, ý tưởng vào chung kết, dựa trên 70% bình chọn của độc giả và 30% của Hội đồng giám khảo. Trong các tiêu chí đánh giá, tính thực tiễn, khả năng ứng dụng của sản phẩm, ý tưởng trong đời sống được Hội đồng giám khảo đánh giá cao, bên cạnh tính mới mẻ, đột phá.

Vòng chung kết sẽ diễn ra từ ngày 11/4 đến ngày 30/4. Ở vòng này, các tác giả sẽ thuyết trình online trước Hội đồng giám khảo về sản phẩm của mình. Hội đồng giám khảo sẽ trao đổi với đại diện các dự án để làm rõ thông tin về sản phẩm, ý tưởng, khả năng ứng dụng, phát triển công nghệ trong tương lai, phương án kinh doanh nếu có. Điểm chung kết sẽ bao gồm 70% điểm đánh giá của Hội đồng giám khảo và 30% bình chọn của độc giả VnExpress.

Lễ trao giải sẽ diễn ra cùng Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 (Young Scientist Summit 2022) vào tháng 5.

 

Được biết, sau hai tuần diễn ra vòng sơ loại cuộc thi Sáng kiến Khoa học, các dự án nhận được bình chọn cao nhất thuộc lĩnh vực Y sinh - Hóa sinh, Giáo dục và Môi trường.

1. Dự án Trà định tâm Assamica (lĩnh vực Y sinh - Hóa sinh)

Dự án của nhóm của Nguyễn Long Hoàng được bình chọn cao nhất vòng sơ loại - 2.178 lượt. Sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ, giúp giải stress, chống mất ngủ. Trà được phát triển từ nguồn dược liệu quý Crotalaria assamica, lần đầu tiên được nghiên cứu, trồng và thu hoạch theo tiêu chuẩn hữu cơ (organic standard) tại vùng núi cao Langbiang, Lâm Đồng.

2. Thiết bị ứng dụng cảm biến Kinect có khả năng nhận diện được khung xương giúp phát hiện sớm chứng vẹo cột sống (lĩnh vực Y sinh - Hóa sinh)

Dự án của nhóm tác giả Nguyễn Đỗ Quỳnh Nguyên đạt 1.573 lượt bình chọn. Dự án thuộc lĩnh vực Y sinh - Hóa sinh, được nhóm phát triển trong 6 tháng và được giới thiệu là "có khả năng thay thế phương pháp chụp X-quang trong tương lai".

3. Tảo hạt hoạt tính (lĩnh vực Môi trường)

Bứt phá ở tuần cuối vòng sơ loại lên vị trí thứ ba là sản phẩm của nhóm Nguyễn Ngọc Kim Quy với 1.204 lượt bình chọn. Tảo hạt được ứng dụng làm nguồn nguyên/nhiên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp, như xăng sinh học, nhựa sinh học, phân bón..., sử dụng các hợp chất từ vi tảo như lipid (xăng sinh học), tinh bột (nhựa sinh học).

4. Thiết bị đo thân nhiệt thông minh cải tiến và hỗ trợ điểm danh từ xa giúp nhà trường và gia đình quản lý học sinh hiệu quả giữa đại dịch Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới (lĩnh vực Công nghệ)

Dự án của tác giả Lê Đức Quốc ứng dụng công nghệ 4.0 trong quá trình sử dụng, có thể tự mở khóa cửa khi quét thẻ, tự gọi điện thoại khi có sự cố trên lớp học hay tự động gửi tin nhắn thông báo.

5. Tinh bột kháng tự nhiên - RS3 từ đậu (lĩnh vực Y sinh - Hóa sinh)

Dự án đạt 1.125 lượt bình chọn. Dự án thuộc lĩnh vực Y sinh - Hóa sinh, của nhóm tác giả Quách Hồng Thái. Sản phẩm đã được thương mại hóa, bán trên thị trường, sử dụng như bữa ăn dinh dưỡng cho người và lợi khuẩn đường ruột cùng phát triển.

6. Sản phẩm lycopen và hệ nano lycopen từ quả gấc Việt Nam (lĩnh vực Vật liệu mới)

Dự án của nhóm tác giả Hồ Thị Oanh, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đạt 1.020 bình chọn. Gấc là nguồn dược liệu quý và là sản phẩm thiên nhiên có tiềm năng ứng dụng lớn cho các ngành dược phẩm, mỹ phẩm và công nghệ thực phẩm. Phương pháp của nhóm chiết tách lycopen từ quả gấc đã được cấp bằng Độc quyền Sáng chế năm 2021.

7. Deep Signature - Công nghệ chống hàng giả bằng blockchain (lĩnh vực Công nghệ)

Vị trí 7 với 964 bình chọn thuộc về tác giả Nguyễn Đình Quân. Sản phẩm được giới thiệu là hệ thống phần mềm hoạt động dựa trên thuật toán blockchain và đã được đăng ký độc quyền sáng chế tại Mỹ vào tháng 10/2021.

8. Ý tưởng xây dựng bản đồ tai biến kép trượt lở đến cấp xã tại Huyện Nam Trà My, Quảng Nam (lĩnh vực Môi trường)

Dự án của nhóm tác giả Lê Quang Dương được 927 bình chọn. Bản đồ phân tầng màu theo nguy cơ diễn ra trượt lở đất, lũ quét, tai biến kép để dễ dàng giúp chính quyền địa phương và người dân thấy được mức độ nguy hiểm vào mùa mưa lớn kéo dài, tránh đến nơi nguy hiểm

9. Mắt kính - trợ lý ảo cho người khiếm thính, khiếm thị (lĩnh vực Công nghệ)

Dự án của Mai Đặng Sơn Tùng được 783 bình chọn. Theo mô tả, sản phẩm này sử dụng công nghệ cấy chip vào não, kết hợp cùng mắt kính đóng vai trò đôi mắt và đôi tai truyền hình ảnh và âm thanh vào chip. Chip sẽ giúp người khiếm thị, khiếm thính có được khả năng nghe, nhìn như người bình thường. Đây là sự kết hợp giữa công nghệ y sinh và kỹ thuật công nghệ cao.

10. Ý tưởng Website hỗ trợ người dân tộc Mông ôn thi bằng lái xe máy chưa sử dụng được tiếng Việt (lĩnh vực Công nghệ)

Ý tưởng của tác giả Đoàn Thị Hà Giang được 760 bình chọn. Tác giả đến từ trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú tỉnh Điện Biên đưa ra ý tưởng với ước mong giúp bà con dân tộc Mông nghe nói được tiếng phổ thông có thể thi được bằng lái xe máy. Người dùng chỉ cần sử dụng thiết bị đã kết nối internet có thể tìm hiểu kiến thức về giao thông, nâng cao trình độ nhận thức khi tham gia giao thông.

Minh Anh