Phạm Hồng Phước và loạt ca khúc từng bị tố đạo nhái

(SHTT) - Hồng Phước được biết đến là một trong những nghệ sĩ trẻ của Việt Nam có khả năng sáng tác và thể hiện những ca khúc của chính mình. Tuy nhiên anh cũng không ít lần vướng vào ồn ào đạo nhái.

 Ca khúc Khi chúng ta già bị tố đạo thơ

Phần lời của bài hát Khi chúng ta già đã bị nhà thơ Nguyễn Thị Việt Hà, công tác tại tạp chí Văn Nghệ Cà Mau, lên tiếng là được “đánh cắp” từ bài thơ Khi chúng ta già của chị sáng tác tháng 4/2013.

Theo tác giả Việt Hà, sau khi sáng tác xong bài thơ, chị đã đăng lên Facebook cá nhân của mình và trên mạng xã hội Yume. Hiện bài thơ vẫn còn trên hai trang này. “Khi tôi đang làm việc thì có một bạn gửi cho tôi đường link bài hát đó và hỏi rằng có phải chị bán bản quyền bài thơ này cho ca sĩ Phạm Hồng Phước để anh ta phổ nhạc hay không? Tôi trả lời bạn ngay rằng tôi không bán bài thơ này cho bất kỳ ai cả. Từ trước đến nay tôi sáng tác thơ là để cho mình và bạn bè cùng đọc. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên khi phần lời bài hát và lời bài thơ tôi giống nhau. Phạm Hồng Phước chỉ sửa một số từ ngữ và viết thêm một đoạn nữa vào cuối bài hát”.

 

Tuy nhiên, chị cũng bày tỏ không muốn câu chuyện trở nên ầm ĩ, chỉ cần Hồng Phước công khai xin lỗi và đính chính đây là bài hát được phổ nhạc từ thơ của Việt Hà.

Về phía Hồng Phước, anh đã chủ động liên lạc với tác giả bài thơ qua trang cá nhân.

Ca khúc Mọi Người Che Mặt Sống bị tố đạo nhạc Hàn

Ca khúc Mọi Người Che Mặt Sống cũng từng vấp phải những nghi vấn đạo nhạc từ phía cộng đồng fan Kpop. Theo đó, không ít ý kiến cho rằng, sản phẩm này có sự tương đồng về giai điệu với ca khúc "Apple Is A" (T-ara) - một sản phẩm từng được ra mắt vào năm 2009.

Sau hơn 1 tháng kể từ thời điểm lùm xùm xảy ra, Phạm Hồng Phước đã có lời đính chính chính thức trên trang cá nhân. Theo đó, nam ca sĩ/nhạc sĩ cho hay những điều được cư dân mạng nghi vấn không có giá trị pháp lý cũng như không có cơ sở bằng chứng rõ ràng để quy chụp ca khúc của anh có phải là một sản phẩm đạo nhạc hay không. Phạm Hồng Phước nói thêm, "Mọi Người Che Mặt Sống" có phần lời do chính anh chủ biên, hoà âm phối khí và sản xuất do producer Veetwinmusic của Hàn Quốc phụ trách.

 

Ở phần dưới của dòng trạng thái, Phạm Hồng Phước đưa ra rất nhiều lý thuyết về nhạc lý từ việc so sánh tốc độ tempo, thang âm, hợp âm để chứng minh giai điệu hai ca khúc hoàn toàn không giống nhau. 

Theo nam nhạc sĩ: "Nhạc lý có 12 nốt nhạc (bao gồm cả các nốt thăng giáng), vô vàn các bài hát khác nhau đã được tạo nên từ đó. Các bài hát thuộc thể loại nào sẽ mang cấu trúc đặc trưng của thể loại đó. Trong quá trình sáng tác, nhạc sĩ có thể dùng chung khuông biểu diễn phổ biến (patterned performance) và vận dụng kĩ thuật viết cơ bản trong từng thể loại nhạc". 

Cùng với đó, anh đưa ra một bằng chứng cụ thể hơn chính là khi so sánh kết quả trên ứng dụng shazam - ứng dụng có thể xác định nhạc, phim, quảng cáo và chương trình truyền hình, dựa trên một mẫu ngắn được phát và sử dụng micrô trên thiết bị để khẳng định không có chuyện giai điệu hai ca khúc là một. 

"Xuân swing"

Đầu năm 2014, Phạm Hồng Phước ra mắt MV Xuân swing, đánh dấu bước chuyển mình trong cả âm nhạc lẫn hình ảnh của anh. Với thể loại swing jazz và phong cách retro lịch lãm, Hồng Phước đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng người nghe nhạc.

 

MV được giới thiệu là sản phẩm do Hồng Phước và ê-kip lên ý tưởng để tạo sự khác biệt với hàng loạt MV Tết của các ca sĩ khác. Tuy nhiên, ngay từ những hình ảnh đầu tiên khi người MC bước lên sân khấu giới thiệu tên ca sĩ, cư dân mạng đã nhận ra MV này có ý tưởng rất giống MV Not fair của ca sĩ người Anh Lily Allen.

Sau đó, từ cách Hồng Phước xuất hiện trong bóng tối, cho đến ban nhạc, vũ công, khán giả... đều gợi nhớ đến những hình ảnh trong Not fair. Sự trùng hợp ở quá nhiều chi tiết khiến người nghe không khỏi nghi ngờ Hồng Phước đã sao chép ý tưởng từ cô ca sĩ xinh đẹp nước Anh.

Vân Mai