Khoa học và công nghệ: Đòn bẩy giúp nâng cao giá trị nông sản

(SHTT) - Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là xu thế tất yếu hiện nay. Xuất phát từ thực tiễn này, nhiều địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để phát triển KHCN, giúp nâng cao giá trị nông sản.

Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có bước đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất và lượng nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, bố trí lại cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất mới. Ðiều đó đã làm thay đổi toàn diện đời sống của nông dân, nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện thành công các chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh, bền vững. Ðồng hành với ngành nông nghiệp, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ đã thực sự là “đòn bẩy” tạo nên những vận hội mới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để tiến vào thị trường các nước, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã phải đa dạng, giá thành hợp lý, đồng thời cũng phải đảm bảo khâu cung ứng kịp thời cho nhà nhập khẩu…

 Khoa học và công nghệ: Đòn bẩy giúp nâng cao giá trị nông sản

Theo đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp cũng như nâng cao năng lực cho nông dân để họ có thể tự tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng.

Tuy nhiên, trong những năm qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại do thiếu nguồn nhân lực, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn hạn chế, diện tích sản xuất giảm và manh mún do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa,… chính vì vậy mà khoa học công nghệ vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò là động lực cho sự phát triển ngành nông nghiệp.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, việc phát triển nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, nông sản xuất khẩu dưới dạng thô là chính. Thêm vào đó, chất lượng nông sản không đồng đều, chi phí đầu vào cao, thiếu kho tồn trữ bảo quản, công nghệ chế biến còn lạc hậu. Tất cả những lý do đó đã và đang làm giảm giá trị xuất khẩu nông sản Việt.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ và tìm hiểu xu hướng của người tiêu dùng thế giới và trong nước hiện nay để tạo ra sản phẩm phù hợp với khả năng kinh tế cũng như sở thích của họ. “Áp dụng khoa học và công nghệ ở đây không chỉ là công nghệ sản xuất mới mà còn cần chú trọng giải pháp về quản lý nhằm giảm bớt chi phí, từ đó giảm giá thành sản phẩm” - bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, vấn đề quan trọng để phát triển KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp là các nhà khoa học cần được “đặt hàng”, phải biết doanh nghiệp và nông dân đang cần gì để bắt tay vào nghiên cứu cái đó, như thế mới giải quyết được thực tiễn. Các nhà khoa học phải cố gắng phát huy hết tiềm năng sinh học của đất nước, những loại cây có giá trị cao ở từng vùng, miền để khi áp dụng công nghệ cao sẽ mang lại năng suất cao, nông dân và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi.

Mai Anh