Bộ Tài chính giải thích về việc giá xăng tăng kỷ lục

(SHTT) - Những ngày qua, việc tăng giá xăng dầu đang khiến nhiều DN đứng ngồi không yên, bởi giá xăng dầu ở mức cao sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều loại dịch vụ, giá nguyên liệu đầu vào. Để giảm giá xăng dầu, nhiều ý kiến chuyên gia và Bộ Công Thương đề xuất giảm thuế để bình ổn giá.

 Chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng 3 lần liên tiếp. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng.

Khi giá xăng dầu đang ở mức rất cao và với tình hình địa chính trị thế giới phức tạp, mặt hàng này còn nguy cơ tăng tiếp thì câu chuyện cắt giảm thuế, phí với xăng dầu càng trở nên cấp bách. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương và Tài chính cần cân nhắc sớm nhất có thể để trình Chính phủ và Quốc hội kiến nghị về việc giảm thuế môi trường và bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thiết yếu này. Xăng dầu tăng cao quá sẽ kéo theo hàng hóa, dịch vụ tăng theo, dẫn đến nhiều hệ lụy, cản trở mọi nỗ lực của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, phục hồi kinh tế...

Tuy nhiên, việc hạ thấp thuế xăng dầu cần phải được tính toán một cách kỹ lưỡng, giảm loại thuế nào, bao nhiêu phần trăm và thời hạn ra sao.

 Bộ Tài chính giải thích về việc giá xăng tăng kỷ lục

Được biết, để hỗ trợ ngành hàng không, thuế bảo vệ môi trường với xăng máy bay (nhiên liệu bay) đã giảm 30% trong năm 2021, và giảm 50% trong năm 2022, nên nhiều ý kiến đề xuất giảm thuế này cho xăng dầu nhằm hỗ trợ nền kinh tế, như vận tải khách đường bộ. Theo đại diện ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), các hãng hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, rất khó khăn, Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay để hỗ trợ và áp dụng từ năm trước, còn các ngành khác vẫn tiếp tục theo dõi.

Với thuế giá trị gia tăng, theo ông Tuấn, mặt hàng xăng dầu nằm trong nhóm loại trừ không áp dụng giảm thuế từ 10% xuống 8% trong năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, xăng dầu không áp dụng chính sách giảm thuế này.

Theo Vụ Chính sách Thuế, hiện xăng dầu chỉ chịu các loại thuế, không thu phí và lệ phí nộp ngân sách. Các khoản thuế gồm thuế nhập khẩu (với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu) và thuế bảo vệ môi trường.

Hiện thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) áp dụng với xăng là 20%, các loại dầu và nhiên liệu bay là 7%. Tuy nhiên, theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, thuế với xăng dao động từ 8-8,8% tuỳ hiệp định, các mặt hàng dầu từ 0-7%. Theo Bộ Tài chính, xăng dầu Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN, nên thuế nhập khẩu với xăng cơ bản ở mức 8% và dầu 0%. Tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu trên thị trường chỉ chiếm khoảng 20-30%, phần còn lại được cung ứng từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.

Với thuế giá trị gia tăng, xăng dầu chịu mức 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt mức 10% với xăng, không thu với các loại dầu (thuế này với xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%); thuế bảo vệ môi trường với xăng là 4.000 đồng/lít (xăng sinh học E5 và E10 thu với phần xăng gốc, không tính trên phần ethanol pha trộn), các loại dầu là 2.000 đồng/lít.

Với các mức thuế như trên và giá bình quân của xăng A95 trên thế giới làm cơ sở tính điều chỉnh giá ngày 11/2 vừa qua, mỗi lít xăng A95 đang bán trên thị trường chịu các khoản thuế khoảng 9.000 đồng.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang, giả sử giá dầu thô vượt 100 USD/thùng thì ngoài việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá thì phải tính đến công cụ khác là thuế phí.

Còn theo chuyên gia kinh tế, GS-TS Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển Nông thôn, nền kinh tế đang trên đà hồi phục, việc giá xăng dầu liên tục tăng gây áp lực rất lớn lên tiến trình này. Giá xăng dầu trong nước lại đang phụ thuộc giá thế giới nên Việt Nam rất khó giảm. Song có thể kìm hãm đà tăng bằng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc điều chỉnh quỹ bình ổn giá...

“Giảm được loại thuế, phí gì hỗ trợ doanh nghiệp lúc này mà trong khả năng làm được thì nên làm ngay. Hiện doanh nghiệp cứ nghe tăng giá thứ gì đều thấy lo lắng. Chính sách gì thì cốt lõi vẫn phải tạo tâm lý an dân mới phục hồi kinh tế đường dài được”, bà Dung nói.

Thanh Tú