Lộc Bình – Lạng Sơn: Dân kêu cứu trước nguy cơ ‘mất nhà, mất ruộng’

(SHTT) – Sau nhiều thế hệ sống dựa vào đất, với đa phần là sản xuất nông nghiệp. Giờ đây khoảng 60 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu tại thị trấn Lộc Bình (Lạng Sơn) đang lo lắng vì bị thu hồi đất để thực hiện một dự án BT?

 UBND huyện Lộc Bình

Thời gian gần đây, Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo đã nhận được đơn thư của người dân thôn Bản Gia, Pò Lèn – Pá Ôi (thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) cầu cứu về việc khi triển khai dự án Cầu Lộc Bình 1, đường giao thông và khu tái định cư xã Lục Thông, huyện Lộc Bình dẫn đến việc người dân bị thu hồi hết đất ruộng, đất sản xuất nông nghiệp. Thậm trí là mất nhà ở mà chưa được đền bù thỏa đáng. Người dân lo lắng không biết rồi đây họ sẽ ở đâu và làm gì để sinh sống?

 Cầu Lộc  Bình 1 

Cụ thể, theo phản ánh của người dân: Quá trình xây dựng cầu Lộc Bình 1, họ không hề hay biết và được tham gia vào bất kỳ cuộc họp nào, không biết về thông tin sau khi hoàn thành cầu và đường sẽ bị thu hồi đất (theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) để thực hiện dự án.

Hơn nữa, sau khi nhận được Thông báo thu hồi đất để thực hiện Dự án: Cầu Lộc Bình số 1, đường giao thông và khu tái định cư xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, người dân cũng cho rằng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư chưa thỏa đáng, thực hiện không đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Trong khi việc đền bù đất ruộng, đất lúa chưa thể đi đến sự thống nhất thì người dân lại tiếp tục nhận được thông báo thu hồi đất ở, đất trồng cây..., thậm chí, có những hộ bị thu hồi hoàn toàn các loại đất đang có khiến cho người dân cảm thấy vô cùng hoang mang, đặc biệt là khi họ còn chưa nhận được phương án hỗ trợ tái định cư. Sự việc này khiến người dân địa phương lo lắng về việc không biết sẽ ở đâu, sẽ làm gì và sinh sống ra sao trong thời gian tới khi bao thế hệ họ chỉ biết sản xuất nông nghiệp như trồng cây lúa, cây hoa màu... mà hiện đang đứng trước việc bị thu hồi toàn bộ đất ở và tư liệu sản xuất là đất nông nghiệp.

Đặc biệt, trong đơn thư gửi cơ quan báo chí, bà con Bản Gia cho biết người dân ở đây đa số là người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn và còn có cả những gia đình chính sách.

Người dân Thôn Pò Lèn Pá Ôi  trao đổi với phóng viên 

Sau khi nhận được đơn thư của người dân, phóng viên Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo đã có mặt tại Thôn Pò Lèn Pá Ôi để ghi nhận thực tế. Khi biết có nhà báo, phóng viên về địa phương, hàng chục hộ dân đã tìm đến chúng tôi với rất nhiều hồ sơ, giấy tờ liên quan đến sự việc.

Trao đổi với phóng viên, đại diện những hộ dân có đất và tài sản trên đất bị thu hồi để thực hiện dự án, bà La Thị Nự (thôn Pò Lèn Pá Ôi, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) âu sầu chia sẻ: Bao nhiêu năm qua, người dân thôn Bản Gia, Pò Lèn – Pá Ôi vẫn đi lại và sinh hoạt bình thường dù chưa có cây cầu Lộc Bình 1, mặc dù để đi từ thôn xóm ra Thị trấn sẽ phải mất thêm quãng đường 4-5km so với thời điểm hiện tại. Vì vậy, ban đầu khi cây cầu Lộc Bình 1 được xây dựng và đưa vào sử dụng. Người dân nơi đây, với đại đa số là người dân tộc thiểu số đã hết sức vui mừng và phấn khởi. Vậy nhưng, vào lúc niềm vui chưa thỏa thì người dân bỗng bàng hoàng khi nhận được quyết định thu hồi đất để thực hiện Dự án: Cầu Lộc Bình số 1, đường giao thông và khu tái định cư xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Vào lúc này họ mới biết rằng, để có cây mới này, để có con đường đẹp này, họ đang đứng trước nguy cơ mất, thậm trí là mất tất cả đất đai và nhà cửa.

Căn nhà bà Nự có quyết định thu hồi toàn bộ 

Đối với trường hợp của gia đình bà Nự, bà và gia đình sinh sống ổn định và sản xuất tại địa phương đã hàng chục năm. Từ đất ở, đất lúa, đất trồng cây... cộng lại cũng hơn chục ngàn mét vuông. Vậy mà theo thông báo thì diện tích đất mà hộ gia đình bà bị thu hồi là 100% để thực hiện dự án. Và mặc dù có quyết định thu hồi toàn bộ đất ở, thì nhà Bà Nự vẫn chưa hề nhận được thông báo về việc sẽ được tái định cư thế nào, ở đâu.

Trong sự xót xa với đôi mắt nhăn nheo như ngấn lệ, bà Nự nhìn hàng cây ăn quả trước sân nói: Mặc dù bà con ở đây đều là người dân tộc thiểu số, ít học, rất nhiều người còn không biết đến con chữ, nhưng vẫn luôn tuân thủ theo quy định của Đảng, Nhà nước và pháp luật. Họ cũng nhận thức được, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là việc cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án cần phải theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người dân một cách đầy đủ.

Họ chỉ có mong muốn duy nhất là được đảm bảo ổn định nơi ở, có đất để sống, có đất để trồng cây, trồng lúa, có hạt gạo để nuôi sống bản thân và gia đình như cách mà họ đã làm bao thế hệ trên mảnh đất này.

Đây là mong muốn chính đáng, là điều mà các cấp chính quyền khi thu hồi đất của dân làm dự án, dù là dự án gì cũng cần phải xem xét và đảm bảo quyền lợi đầy đủ của người dân theo qui định của pháp luật.

Nhiều người dân đi theo phóng viên với mong muốn được gửi đơn cầu cứu đến cơ quan báo chí 

Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo sẽ tiếp tục thông tin đến quý bạn đọc!

Bắc Hiệp – Quang Huyên