Cảnh báo: Những rủi ro tiềm ẩn từ xu hướng vừa chơi game vừa kiếm tiền

(SHTT) - GameFi là một khái niệm của ngành công nghiệp tiền mã hóa và đang thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Nhiều người nhảy vào đầu tư game khi nhìn thấy nhiều “nhà đầu tư” đi trước nhanh chóng kiếm tiền từ việc chơi game mà không lường trước rủi ro mất trắng.

Châu Á là thị trường lớn nhất trên toàn cầu về trò chơi điện tử và các đồng tiền mã hóa. Trong tương lai, các định chế tài chính truyền thống phải chuyển biến để không bị cướp mất khách hàng và thị phần cho nền tài chính mới tạo thành từ các đồng tiền mã hóa được tạo ra từ trò chơi điện tử ứng dụng hóa (gamification).

GameFi là thuật ngữ chỉ các trò chơi được xây dựng trên nền tảng Blockchain, giao dịch vật phẩm NFT. Sau thành công của Axie Infinity, nhiều trò chơi xây dựng trên nền tảng blockchain khác liên tục được công bố. Danh mục NFT của CoinMarketCap có phần lớn token đến từ các dự án GameFi. Theo danh sách này, hiện có hơn 300 token của các tựa game blockchain đã được niêm yết trên sàn tiền số. Các trò chơi blockchain hiện được phát triển trên nhiều thể loại khác nhau như game thẻ bài, đánh theo lượt, chiến thuật, thể thao, bắn súng… 

 Cảnh báo: Những rủi ro tiềm ẩn từ xu hướng vừa chơi game vừa kiếm tiền

Các chuyên gia đều có ý kiến chung rằng các game NFT hiện nay chỉ hấp dẫn người chơi ở yếu tố kiếm tiền. So với các tựa game AAA, thị trường GameFi hiện tại “vắng bóng” những trò chơi có đồ họa đặc sắc, nổi bật. Đồng thời, những khía cạnh cơ bản của game như cốt truyện, cách chơi vẫn còn khá đơn giản. 

Bên cạnh đó, một số dự án được tạo ra để ăn theo xu hướng (trend), không có lộ trình phát triển rõ ràng. Những trò chơi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo.

Việc kiếm tiền từ trò chơi điện tử không mới. Các giao dịch mua bán vật phẩm trong CS:GO, Dota2 thông qua Steam Market đã diễn ra nhiều năm.

Tuy nhiên trên nền tảng cũ, kẻ gian vẫn có thể lợi dụng lỗ hổng bảo mật để lừa đảo, chiếm đoạt vật phẩm trong game của người dùng. Công nghệ blockchain và NFT mang đến cho nhà phát triển công cụ tăng tính minh bạch, bảo mật game.

Khi tham gia game kiếm tiền, nhà đầu tư tham gia có 2 phương thức chính: mua token để đầu cơ, chờ tăng giá bán lấy lời hoặc chơi game nhằm nhận tiền số.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cấp cao về tài chính và kế toán tại Đại học Bristol (Anh), nhận định rủi ro lớn nhất là đội ngũ phát triển dự án có thể đột nhiên biến mất với tiền của nhà đầu tư. Chuyện này đã nhiều lần xảy ra trong thời gian qua. Kể cả khi nhà phát triển gắn bó với dự án của mình, biến động giá của token, tài sản NFT ở mức cao vẫn có thể khiến nhà đầu tư thua lỗ.

“Điều này là bình thường vì giá trị tài sản này dựa trên độ hấp dẫn của dự án, trong khi mỗi ngày hiện tại có không biết bao nhiêu game mới ra đời phát hành token”, ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, những thay đổi về mặt cơ chế, mối quan hệ giữa các token trong game có thể khiến giá trị các loại token giảm mạnh. Trong game Axie Infinity, token Smooth Love Potion (SLP) được dùng để trả thưởng có nguồn cung vô tận. Sự lạm phát khiến giá loại token này giảm từ mức 0,4 USD vào tháng 5 xuống khoảng 0,06 USD ở thời điểm hiện tại, khiến thu nhập của nhiều người chơi từ game giảm mạnh.

Bên cạnh đó, người chơi cũng có thể gặp rủi ro về việc bị lừa chuyển vật phẩm tới địa chỉ của kẻ lừa đảo, hoặc bị dụ gửi số tiền nhất định mới kích hoạt được vật phẩm. Khác với lĩnh vực game truyền thống có công ty quản lý, ở game NFT người chơi khó lấy lại vật phẩm đã mất. “Khi những người chơi mới không có đủ kiến thức, họ rất dễ bị lừa đảo trong thị trường này”, ông Trần Dinh, CEO công ty tư vấn và đầu tư lĩnh vực tiền mã hóa Alpha True nhận xét.

Có thể nói, các đồng tiền số trong nền tảng tài chính phi tập trung còn ở giai đoạn phát triển sơ khai. Do đó, những người chơi mới, không có kiến thức sẽ dễ dàng sập bẫy khi gió đổi chiều.

Hà Châu