Các hãng dược 'chạy đua' nghiên cứu vaccine trị siêu biến thể Omicron

(SHTT) - Đại diện của Moderna và nhiều hãng dược khác cho biết họ sẽ sớm tung ra loại vaccine cải tiến có thể chống lại biến thể Omicron trong trường hợp các vaccine lưu hành hiện nay không có tác dụng ngăn chặn biến thể này.

Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến chủng đáng lo ngại, tức là nó có thể lây lan nhanh chóng, gây bệnh nặng, làm giảm hiệu quả vaccine hoặc các phương pháp điều trị. Các nhà khoa học cảnh báo một vài trong số 32 đột biến của Omicron giúp nó né hệ thống miễn dịch, qua đó có thể hạn chế hiệu quả của các loại vaccine COVID-19 hiện có.

Trước tình hình này, nhà sản xuất vaccine Moderna (Mỹ) cho biết các chuyên gia của công ty này đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine chống biến thể Omicron từ dịp Lễ Tạ ơn vừa qua (ngày 25/11/2021). Lãnh đạo Moderna, Paul Burton, cho biết hàng trăm nhân viên của công ty đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu điều chỉnh vaccine ngay khi thông tin đầu tiên về biến thể này được công bố.

Theo ông Burton, sẽ phải mất vài tuần để có hiểu biết đáng tin cậy về mức độ biến thể mới có thể vô hiệu hóa tác dụng của các loại vaccine hiện tại và liệu có cần phải bào chế vaccine mới hay không. Ông cũng cho biết trong trường hợp cần thiết, vaccine mới có thể được sản xuất trên quy mô lớn vào đầu năm 2022.

 Các hãng dược 'chạy đua' nghiên cứu vaccine trị siêu biến thể Omicron

Trong khi đó, hãng Pfizer/BioNtech cũng cam kết sẽ điều chỉnh vaccine của mình nếu virus đột biến tới mức vaccine của hãng vô tác dụng.

Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Trong hợp đồng giữa Ủy ban châu Âu và Pfizer-BioNTech cũng có một điều khoản nhất định bao gồm, nếu một biến thể đột biến tới mức vaccine vô tác dụng, BioNTech-Pfizer có thể điều chỉnh vaccine của mình trong vòng 100 ngày. Chúng tôi hy vọng vào điều tốt nhất, nhưng cũng chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất".

Theo giới chuyên gia, có thể chỉ mất vài tuần để có thể phát triển được loại vaccine "thế hệ mới" dựa trên các loại vaccine có sẵn. Đây cũng chính là điểm mạnh của vaccine công nghệ mRNA, có thể nhắm vào những biến thể cụ thể như Omicron mà không cần phải bào chế một loại vaccine mới.

J&J cũng đang tiến hành nghiên cứu đưa ra một loại vaccine có tác dụng tương tự, đồng thời tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine do hãng này phát triển trong việc ngăn chặn loại biến thể vừa phát hiện ở miền Nam châu Phi này. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của J&J Mathai Mammen cho biết hãng sẽ đẩy nhanh tiến độ để thực hiện các thử nghiệm lâm sàng nếu cần thiết.

Liên quan tới cuộc chiến chống dịch COVID-19, Giám đốc điều hành của hãng Pfizer Albert Bourla cùng ngày cho biết hãng dự kiến sản xuất 80 triệu liều thuốc kháng virus điều trị COVID-19, tăng so với mức 50 triệu liều theo kế hoạch ban đầu. Theo ông Bourla, Pfizer tin rằng loại thuốc kháng virus do hãng này phát triển với tên thương mại là Paxlovid sẽ vẫn có tác dụng điều trị ngay cả với những người nhiễm biến thể Omicron.

Tuần trước, Pfizer đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Paxlovid sau khi công bố dữ liệu cho thấy thuốc này có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do COVID-19 lên đến 89%. Hồi đầu tháng 11 này, hãng thông báo kế hoạch sản xuất 180.000 liều  Paxlovid vào cuối năm nay và tăng lên ít nhất 50 triệu liều vào cuối năm 2022, trong đó có 21 triệu liều trong nửa đầu năm.

Hà Anh