An Giang: Phát hiện cơ sở sản xuất hàng nghìn chai nước rửa chén giả nhãn hiệu nổi tiếng

(SHTT) - Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang cho biết vừa phát hiện một cơ sở sản xuất nước rửa chén nghi vấn nhái nhãn hiệu nổi tiếng.

Như đã đưa thông tin trước đó, tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp với cùng Đội Quản lý thị trường số 1 và Công an TT.Tịnh Biên kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh Lâm Thị Y (tổ 10, khóm Xuân Hòa) do ông Trịnh Minh Hưng (SN 1988, ngụ khóm Vĩnh Phước 1, phường Núi Sam, TP.Châu Đốc) làm đại diện.

 Qua kiểm tra, phát hiện trong kho của cơ sở có 236 thùng catton (chứa 4.674 chai nước rửa chén hiệu Superlight) không hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nghi vấn nhái nhãn hiệu nổi tiếng. Tối cùng ngày, kiểm tra cơ sở kinh doanh “Thăng Long”, tại xã Đa Phước cũng do ông Hưng làm chủ, ghi nhận tại cơ sở có 600kg nguyên liệu dùng sản xuất nuớc rửa chén chứa trong 24 bao không có nhãn hàng hóa; trên 1.900 chai thành phẩm nuớc rửa chén Superlight do cơ sở Thăng Long sản xuất có nhãn ghi không đúng quy định; 300 lít sản phẩm bán thành phẩm cùng nhiều chai nhãn liên quan.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Hưng có xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bộ tự công bố sản phẩm Superlight có dấu hiệu nghi vấn chưa đúng theo quy định.Vụ việc đang được tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.

An Giang: Phát hiện cơ sở sản xuất hàng nghìn chai nước rửa chén giả nhãn hiệu nổi tiếng 

Ngay sau đó, qua tin báo của quần chúng nhân dân cùng với các biện pháp nghiệp vụ, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang cũng đã phối hợp cùng Công an địa phương, đột xuất kiểm tra hành chính hộ kinh doanh LEO 2 (địa chỉ số 39, đường Nguyễn Văn Cừ, khóm Long Thạnh A, phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu) do ông Huỳnh Minh Phúc, sinh năm 1991 làm chủ.

Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện tại nơi trưng bày và kho của hộ kinh doanh LEO 2 có chứa trên 16.400 chai, gói, hộp, hủ, lọ… mỹ phẩm, nước hoa, dầu gội, thực phẩm chức năng, thiết bị điện, nước sát khuẩn... có nhãn mác nước ngoài và không rõ nguồn gốc. Trị giá hàng hoá khoảng 450 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Phúc thừa nhận là chủ sở hữu số hàng hóa trên, nhưng không xuất trình được hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Phúc, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và bàn giao cho Công an thị xã Tân Châu tiếp tục điều tra, xác minh xử lý theo quy định pháp luật.

Liên quan tới nước rửa chén không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu, các chuyên gia hóa học cho rằng, nước rửa chén chứa thành phần hóa học ngoài tác dụng làm sạch vết dầu mỡ và vết bẩn còn giúp chén bát trông sáng bóng và ngát hương. Điều này cũng hàm chứa những nguy cơ tiềm ẩn và tác hại không ngờ do thành phần của loại hợp chất này gây nên. 

Đặc biệt đối với nước rửa chén trôi nổi được sản xuất từ nguyên liệu rẻ tiền. Quy trình sản xuất thủ công không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ về chất lượng. Thế nên, nước rửa chén không nhãn mác thường có tác dụng làm sạch thấp, chưa kể còn có thể chứa hóa chất độc hại, ảnh hưởng tới da tay, dư lượng sót lại trên chén bát gây ra tác hại về lâu về dài cho sức khỏe người dùng.

Mai Anh