Mũ bảo hiểm giả tràn lan, Cục Quản lý thị trường TP.HCM nói gì?

Theo Cục Quản lý thị trường (Cục QLTT) TP.HCM, nhiều cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm giả tràn làn thu lợi lớn, dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng bởi thủ đoạn tinh vi.

Phát hiện nhiều lò sản xuất mũ bảo hiểm giả

Liên quan đến việc nhiều cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm giả thương hiệu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tràn lan mà PV phản ánh, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết đơn vị đã từng phát hiện, xử lý nhiều vụ; thậm chí có trường hợp đã từng bị cơ quan chức năng khởi tố.

Theo Cục QLTT TP.HCM, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021, đơn vị này đã kiểm tra, xử lý 76 vụ, xử phạt hành chính với số tiền hơn 732 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu, xử lý 19.552 mũ bảo hiểm và 10.824 đơn vị nguyên vật liệu dùng sản xuất mũ bảo hiểm, với tổng trị giá hơn 1,1 tỷ đồng.

Riêng 9 tháng đầu năm 2021, Cục QLTT TP.HCM đã kiểm tra, xử lý 5 vụ, xử phạt hành chính gần 71 triệu đồng; tịch thu, xử lý 934 mũ bảo hiểm các loại và 2.607 đơn vị nguyên vật liệu, với tổng trị giá hơn 83 triệu đồng.

Điển hình, ngày 26/1, Công an phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) đã phát hiện và thu giữ hơn 4.000 mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn tại căn nhà số 945/8 Nguyễn Ảnh Thủ (khu phố 8, phường Tân Chánh Hiệp) của Ninh Thiện Thạch (SN 1993, quê Lâm Đồng), .

Tại thời điểm kiểm tra, bên trong căn nhà 3 tầng lầu chứa đầy mũ bảo hiểm, một số đã được đóng gói cẩn thận. Đáng nói, tổ công tác phát hiện Thạch đang kinh doanh nón bảo hiểm có gắn tem hợp quy chuẩn, cụm logo, đuôi da, nhãn giấy, và khóa có biểu tượng giống nhãn hiệu Nón Sơn.

Thu giữ hơn 4.000 mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn tại nhà của Ninh Thiện Thạch

Với số hàng hóa trên, Thạch không xuất trình được các hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm hợp pháp. Thạch thừa nhận toàn bộ số hàng nói trên được mua lại của một đơn vị sản xuất khác để về kinh doanh mua bán qua mạng xã hội kiếm lời.

Ngày 11/4, Phòng Cảnh sát kinh tế TP.HCM cũng đã phát hiện và bắt quả tang 8 đối tượng có hành vi sản xuất hàng nghìn mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu nổi tiếng tại một nhà kho nằm trên đường Liên khu 2-10 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân).

Qua kiểm tra, cơ quan công an đã phát hiện và thu giữ hơn 1.700 chiếc mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn, nhiều máy dập khuôn, máy đóng quai, máy đóng nút để làm giả mũ bảo hiểm. Lô hàng này nếu đem ra thị trường tiêu thụ ước tính có giá trị hàng chục tỷ đồng.

Công an phát hiện hơn 1.700 nón bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn tại Bình Tân

Ngày 20/4, Công an TP.HCM ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, để điều tra hành vi sản xuất số lượng lớn mũ bảo hiểm giả của đối tượng Hà Bảo Châu và đồng phạm.

Ngoài TP.HCM, các tỉnh thành khác cũng nóng về vấn đề mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng xử lý.

Tại Bình Thuận, ngày 25-26/3, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh tiến hành kiểm tra 03 điểm kinh doanh mũ bảo hiểm trên đường Hải Thượng Lãn Ông (phường Phú Trinh, TP Phan Thiết). Đoàn kiểm tra phát hiện lô hàng 2.712 chiếc mũ bảo hiểm gắn nhãn hiệu Nón Sơn.

Đội QLTT số 1 tỉnh Bình Thuận  kiểm tra và thu giữ 2.712 chiếc mũ bảo hiểm gắn nhãn hiệu Nón Sơn.

Cụ thể, tại số 93 Hải Thượng Lãn Ông kinh doanh lô hàng 2.102 chiếc mũ bảo hiểm; nhà số 105 kinh doanh 470 chiếc và nhà 101 kinh doanh 140 chiếc mũ bảo hiểm đều gắn nhãn hiệu Nón Sơn. Cả 3 cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Toàn bộ số hàng giả trên có tổng trị giá hơn 87 triệu đồng, đoàn kiểm tra đã tạm giữ để xử lý theo quy định pháp luật.

Khó quản lý sản xuất mũ bảo hiểm 

Theo Cục QLTT TP.HCM, công tác quản lý mũ bảo hiểm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, mũ bảo hiểm giả mạo nhãn hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu được sản xuất ngày càng tinh vi, đa dạng về hình thức, mẫu mã.

Lợi dụng cơ chế chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất, kinh doanh trong ngành hàng mũ bảo hiểm, một số đối tượng cấu kết làm giả. Các đối tượng này trao đổi mua bán, cung cấp nguồn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, linh kiện giá rẻ, không đảm bảo chất lượng để lắp ráp và tự in nhãn hàng hóa, dán dấu hợp quy giả mạo lên các sản phẩm mũ bảo hiểm chưa được đăng kiểm, chứng nhận.

Mũ bảo hiểm giả này được bày bán từ các cửa hàng nhỏ lẻ đến các shop thể thao, thời trang, ngay cả các cửa hàng chuyên bán mũ bảo hiểm chính hãng vẫn còn có lẫn lộn đồ giả.

Cửa hàng chuyên bán mũ bảo hiểm chính hãng vẫn bán sản phẩm "vàng thau lẫn lộn" 

Một số cửa hàng vừa kinh doanh mũ bảo hiểm đạt chất lượng vẫn bán kèm mũ bảo hiểm nhái hoặc dùng các mũ giả làm quà tặng khuyến mãi thu hút khách mua hàng.

Đáng nói, các mũ bảo hiểm giả được làm nhái rất tinh vi từ tem đến kiểu dáng, logo… Lực lượng chức năng cho biết, với sự tinh vi của các đối tượng chuyên làm hàng giả, người dân rất dễ bi lừa bởi các sản phẩm này giống hàng chính hãng đến 95%.

Theo đúng quy định của pháp luật, mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn phải có đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, lớp đệm bảo vệ và quai đeo. Nhưng nhiều loại mũ kém chất lượng chỉ được thiết kế 2 bộ phận và vỏ mũ và quai đeo, nhựa để sản xuất mũ cũng là nhựa tái chế, không đảm bảo quy chuẩn, dễ dàng vỡ tan khi va đập.

Quang Hải - Thanh Thảo