Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương đánh giá cao sản phẩm của Unifarm
Tại đây, ông Phạm Quốc Liêm - Tổng Giám đốc Unifarm cho biết, Trang trại công nghệ cao Unifarm được thành lập từ năm 2009, có diện tích hơn 400ha, sản phẩm chủ lực là chuối và dưa lưới với quy trình trồng theo tiêu chuẩn châu Âu. Khoảng 300 ha trồng chuối tại Unifarm mỗi năm cho năng suất gần 50 tấn/ha.
Sau khi thu hoạch, sản phẩm trải qua các công đoạn sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xuất khẩu đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, quy trình trồng dưa lưới tại Unifarm ứng dụng theo công nghệ học tập từ Israel, hệ thống kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống tưới tại các nhà màng được kết nối đến hệ thống điều khiển trung tâm.
Thay cho cách trồng trên luống truyền thống, dưa lưới tại trang trại được trồng trong những giá thể riêng biệt được xử lý triệt để các mầm bệnh có thể gây hại cho cây.
Mỗi năm, mô hình trồng dưa lưới tại Unifarm cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ha và mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu cho doanh thu từ 500 triệu đồng/ha.
Từ việc ứng dụng khoa học vào sản xuất, hiện nay, các sản phẩm mang thương hiệu Unifarm ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng, dưa lưới và chuối của Công ty đang có mặt tại tất cả các hệ thống bán lẻ trong nước.
Sản phẩm dưa lưới của Unifarm đã xuất khẩu sang Singapore từ năm 2018, các sản phẩm chuối được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản...
Unifarm đã và đang tư vấn, chuyển giao công nghệ, liên kết bao tiêu cho những nông dân sản xuất trên quy mô nhỏ đến những công ty lớn với quy mô trang trại.
Sau khi tham quan Trang trại Unifarm, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Unifarm với những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, chọn lựa công nghệ và kỹ thuật phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, xây dựng nguồn nhân lực phù hợp cho nông nghiệp công nghệ cao.
Từ đó, người đứng đầu Tỉnh uỷ Bình Dương đề nghị, cùng với việc tiếp tục hoạt động hiệu quả, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, nghiên cứu các giống cây trồng phù hợp, Unifarm cần phát huy vai trò là trung tâm chuyển giao kỹ thuật, xây dựng và phát triển thị trường, giúp các trang trại và nông hộ xung quanh trở thành các vệ tinh sản xuất theo kỹ thuật và hợp đồng bao tiêu của khu.
Từ đó, đưa mô hình này thành một doanh nghiệp, tập đoàn hoặc trung tâm xuất khẩu nông sản của tỉnh, tạo nên thương hiệu sản phẩm của Unifarm nói riêng, Bình Dương nói chung trên thị trường quốc tế. Trong quá trình hoạt động nếu có khó khăn, vướng mắc Công ty kịp thời báo cáo lãnh đạo tỉnh để nhanh chóng tháo gỡ.
Liên quan sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, mới đây, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Dương (OCOP) đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2022.
Trong đợt 2 năm 2022, có 41 sản phẩm của 24 chủ thể thuộc 5 huyện, thành phố, thị xã tham gia đánh giá, phân hạng bao gồm: Bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, cải ngọt, dưa lưới, tổ yến nguyên chất, tổ yến sạch tinh chế, dưa leo rừng muối, dưa kim, quýt đường, quýt hồng, cam lòng vàng, cam xoàn, hồ tiêu, muối tiêu lốp, mít ruột đỏ, trà linh chi đông trùng hạ thảo túi lọc, trà linh chi đông trùng hạ thảo hòa tan, rượu sâm cúc, rượu sâm cau, rượu tỏi đen, rượu tỏi đen táo đỏ.
Trong đó, huyện Bàu Bàng có 6 sản phẩm; Bắc Tân Uyên có 23 sản phẩm; Dầu Tiếng 4 sản phẩm; thị xã Tân Uyên 3 sản phẩm; thành phố Thuận An 5 sản phẩm.
Các sản phẩm được phân thành 5 nhóm: Thực phẩm tươi sống (31 sản phẩm); thực phẩm chế biến (02 sản phẩm); gia vị (02 sản phẩm); đồ uống có cồn (04 sản phẩm); đồ uống không cồn (02 sản phẩm). Tại buổi làm việc, các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã chấm điểm, đánh giá phân loại các sản phẩm tham gia.
Quang Anh