Thương hiệu làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp vươn ra thế giới
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) trước đây là một ngôi làng nhỏ chuyên về làm tranh cổ.
Qua hai cuộc di dân từ Bắc vào Trung, từ Thuận Quảng vào Đông Nam (1698 - 1720), nhiều cư dân có nghề sơn mài truyền thống đến lập nghiệp ở làng Tương An (Tương Bình Hiệp) hình thành làng nghề.
Sơn mài Tương Bình Hiệp vươn ra thế giới
Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp đã mở trường Mỹ thuật bản xứ Thủ Dầu Một (thường gọi là trường Bá nghệ) để giảng dạy các nghề chạm trổ, cẩn xà cừ, điêu khắc... Sản phẩm của sơn mài Tương Bình Hiệp đã được phổ biến rộng hơn và ngày càng phát triển.
Sự ra đời của trường Bá nghệ và các xưởng sản xuất sơn mài Thanh Lễ, Trần Hà, Lam Sơn đã làm nghề sơn mài trở thành một nghề thủ công truyền thống có thu nhập cao.
Từ năm 1945 đến 1975, nghề sơn mài phát triển mạnh khi hàng sơn mài được xuất sang thị trường châu Âu và có giá trị thương mại lớn.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Lan (công tác tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương), thập niên 1980 - 1990 là thời kỳ vàng son của làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Điều đó được đánh dấu bằng việc hình thành một hợp tác xã sơn mài với trên 160 xã viên, có 744 hộ có nguồn thu nhập chính từ sản xuất sơn mài, 120 hộ dân tham gia và thu hút hơn 150 lao động từ nơi khác đến làm và học nghề.
Thời gian đó đã có câu biểu dương ca tụng làng nghề Tương Bình Hiệp: “Nhà nhà làm sơn mài, người người làm sơn mài”. Mọi người hăng say sản xuất, uy tín làng nghề xã Tương Bình Hiệp vang xa, đời sống nhiều gia đình từ nghèo khó vươn lên khá giả.
Được xem là người giữ lửa và tiếp nối làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh (Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương) cho biết thời điểm vàng son năm 1980 - 1990, người dân ở TP Thủ Dầu Một làm nghề sơn mài chiếm 60-70%, còn ở Tương Bình Hiệp chiếm tới gần 90%.
“Thời điểm đó nghề làm sơn mài hot, nhiều nghệ nhân có tay nghề cao, điêu luyện nổi tiếng lắm. Có nhiều gia đình các thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu đều cùng làm nghề sơn mài.
Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Cha vợ tôi là cụ Trần Văn Lấm, cùng với một người dân ở đây được xem là hai người lập ra làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Gia đinh tôi trước đây có hơn chục người làm nghề sơn mài. Ngoài ra, người dân khắp nơi cũng về đây làm việc, xin học nghề”, nghệ nhân Lê Bá Linh chia sẻ.
Theo nghệ nhân Lê Bá Linh, nhờ theo nghề sơn mài mà thời điểm hơn 10 năm trở về trước, cuộc sống của người dân ở đây đầy đủ hơn so với mặt bằng chung, thậm chí có nhiều người dân trở nên giàu có. Mặt khác, giá trị sơn mài mang lại cũng làm nền tảng thúc đẩy cách ngành nghề khác phát triển theo.
“Hàng hoá sơn mài thời điểm vàng son bán chạy, đắt như tôm tươi. Khi đó, sơn mài Tương Bình Hiệp được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là các nước châu Âu như Anh, Ý và một số nước châu Á”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương cho hay.
Cũng là người gắn bó nghề sơn mài hơn 20 năm, bà Lê Mộng Thắm (chủ cơ sở sơn mài Thanh Bình Lê) cho biết gia đình bà có 3 thế hệ cùng làm nghề sơn mài. Và cũng nhờ nghề này mà gia đình bà có cuộc sống khấm khá, có của ăn, của để
“Có giai đoạn dài, ngoài 50 người làm việc tại xưởng, gia đình tôi phải thuê thêm hàng chục người bên ngoài vẽ tranh để kịp hàng giao cho các đơn vị nước ngoài đặt hàng với số lượng lớn. Có lúc hàng đặt quá tải không nhận đơn khách là chuyện bình thường”, bà Thắm nhớ lại.
Tranh sơn mài Tương Bình Hiệp đặc biệt thế nào?
Theo nghệ nhân Lê Bá Linh, sơn mài Tương Bình Hiệp nổi tiếng, được ưa chuộng khắp nơi là do sản phẩm có bản sắc riêng là sự kết hợp giữa tinh hoa văn hóa vùng phía bắc với điều kiện, thổ nhưỡng, nguyên liệu, lao động cần cù sáng tạo ở miền nam.
Làng nghề sơn mài luôn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là các đề tài về thiên nhiên, dân gian hay lịch sử đều mang đậm bản sắc chung của văn hóa dân tộc.
Những nghệ nhân sơn mài vừa kế thừa nét văn hóa mỹ thuật truyền thống của dân tộc, vừa phát huy những giá trị văn hóa của địa phương để tạo nên nét đặc sắc riêng của làng nghề.
Ðiểm chung ở những bức tranh sơn mài thường thấy là các chủ đề về tứ thời, ngư tiều canh mục, long lân quy phụng, các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam…
Sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà bản sắc thể hiện đa dạng trên tất cả các sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp, từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí.
Bằng những phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc… kết hợp trên gỗ, gốm, tre và nhiều chất liệu khác, sản phẩm sơn mài đã xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính.
“Để trở thành một nghệ nhân sơn mài không hề dễ dàng mà phải trải qua một thời gian dài tôi luyện, học hỏi, tiếp thu, sáng tạo và đặc biệt phải yêu nghề. Khi có tay nghề rồi để duy trì, phát triển nghề lại càng khó hơn khi nhu cầu, thị trường, hàng hoá ngày càng thay đổi.
Vì vậy những người nghệ nhân phải nhạy bén, cải tiến sản phẩm, nắm bắt xu hướng để không lạc hậu, mai một”, nghệ nhân Lê Bá Linh chia sẻ
Cũng theo nghệ nhân này, hiện nay sản phẩm của làng nghề sơn mài có hai dạng: dạng hiện đại theo nhu cầu thị trường và dạng truyền thống.
“Sơn mài Tương Bình Hiệp hiện nay đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Các mặt hàng tranh giá rẻ, được vẽ, khắc bằng máy nhan nhản.
Vì vậy, ngoài làm sơn mài truyền thống sáng tác để thể hiện nét tinh hoa của nghệ thuật sơn mài thì cũng phải sản xuất tranh theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, quy trình sản xuất vẫn phải đảm bảo chất lượng, độ sắc sảo, tinh xảo của tranh sơn mài Tương Bình Hiệp”, nghệ nhân này nhấn mạnh.
Với những đóng góp lớn lao về giá trị tinh thần cũng như giá trị vật chất và để bảo tồn, phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, năm 2016, Nhà nước đã công nhận làng nghề truyền thống này là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Quang Hải - Hoàng Hải - Thanh Nga