Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế

(SHTT) - Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã đưa ra thông báo Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Trung Quốc dẫn đầu thế giới năm 2020 khi có 1,5 triệu đơn đăng ký bằng sáng chế.

Theo ấn bản “Các chỉ số sở hữu trí tuệ thế giới” năm 2021 của WIPO, lượng đơn đăng ký cấp bằng sáng chế quốc tế đã tăng trở lại trong năm 2020 sau khi lần đầu tiên giảm trong một thập kỷ qua vào năm 2019.

Đà tăng trưởng của lượng bằng sáng chế được thúc đẩy nhờ đà tăng trưởng dài hạn ở Trung Quốc cũng như gia tăng hoạt động sở hữu trí tuệ ở các quốc gia châu Á khác.

Theo đó, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) ngày 8/11 cho biết Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong năm 2020 khi có đến 1,5 triệu đơn đăng ký bằng sáng chế, cao gấp 2,5 lần so với Mỹ, quốc gia đứng thứ hai thế giới về lượng bằng sáng chế.

 Trung Quốc có số lượng bằng sáng chế cao nhất thế giới trong năm 2020

Lượng đăng ký bằng sáng chế của châu Á chiếm khoảng 2/3 tổng lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (IP) thế giới trong năm 2020, tăng đáng kể so với tỷ lệ 51,5% của năm 2010. Trong những quốc gia dẫn đầu về IP, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất về lượng bằng sáng chế có hiệu lực trong năm 2020, tiếp đến là Đức, Mỹ và Hàn Quốc.

WIPO cho hay thế giới ước tính có khoảng 13,4 triệu đơn đăng ký nhãn hiệu cho 17,2 triệu loại hàng hóa và dịch vụ nộp trong năm 2020.

Số lượng các loại IP tăng đến 13,7% trong năm 2020, và qua đó ghi nhận đà tăng trưởng năm thứ 11 liên tiếp. Số loại hàng hóa đăng ký sở hữu tri tuệ của Trung Quốc ký lớn nhất vào khoảng 9,3 triệu loại, tiếp đến Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thể thấy, các trường học và doanh nghiệp Trung Quốc đang nỗ lực nộp thêm nhiều bằng sáng chế quốc tế như một phần trong tham vọng của nền kinh tế thứ hai thế giới nhằm đạt được sự đổi mới và tự lực về công nghệ khi đối mặt với căng thẳng ngày càng gia tăng từ phương Tây.

Tuy nhiên, dù là quốc gia sở hữu các bằng sáng chế quốc tế hàng đầu kể từ năm 2019, nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức trong việc đầu tư cho quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D) để biến những sáng chế thành những đổi mới có giá trị và thành công.

Chuyên gia về bằng sáng chế kỳ cựu của Trung Quốc Elizabeth Chien-Hale, đồng tác giả cuốn sách về thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc của Hiệp hội Luật sư Mỹ chia sẻ, việc thương mại hóa đã bị hạn chế “vì chất lượng của các bằng sáng chế chưa cao”.

Theo bà, những hạn chế của chính phủ đối với việc chuyển giao công nghệ đã đặt ra một số rào cản khác đối với các phát minh, sáng chế chất lượng cao.

Một yếu tố khác, theo bà Elizabeth Chien-Hale là "việc thiếu các dữ liệu chất lượng về giá trị của các bằng sáng chế Trung Quốc so với Mỹ - nơi luôn có sẵn thông tin tương tự từ các thỏa thuận cấp phép và các vụ kiện pháp lý".

“Ở Mỹ, bằng sáng chế là một loại hàng hóa và được gắn giá trị hàng hóa trên đó. Nhưng ở Trung Quốc, bản thân bằng sáng chế không phải là hàng hóa và là một phần của giao dịch chuyển giao công nghệ", chuyên gia này cho hay.

Hà Châu