Bị tố 'nhận vơ' bản quyền ca khúc Tiến quân ca, BH Media nói gì?

(SHTT) - Sau khi báo điện tử VTV và kênh truyền hình VTV24 đưa tin về việc BH Media 'nhận vơ' bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" - Quốc ca của Việt Nam, đơn vị này mới đây đã chính thức lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.

Cụ thể, trong bản tin phát vào trưa ngày 4/11 nói về bản quyền nhạc số, VTV24 đã đề cập tới việc BH Media đang "nhận vơ" bản quyền của loạt tác phẩm. Cụ thể, trong bản tin này, VTV đã nêu ví dụ về việc BH Media đang xác nhận bản quyền trên nền tảng số đối với ca khúc Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao.

 

Cụ thể, khi một kênh đăng tải video ca khúc này, ở phần mô tả ghi rõ "bên cấp phép BHMedia Inc. (thay mặt cho Hồ Gươm Audio Video) và 1 Hiệp hội bảo vệ quyền âm nhạc".

Trong khi đó, Tiến quân ca luôn được biết đến là Quốc ca của Việt Nam, và được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc. Do đó, thông tin BH Media sở hữu bản quyền tác phẩm đang gây tranh luận.

Phản hồi về cáo buộc của Đài truyền hình Việt Nam, đại diện của BH Media đã khẳng định với Zing đơn vị này không nhận sở hữu bản quyền ca khúc Tiến quân ca.

BH Media cho biết, công ty được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi Tiến quân ca trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất.

"Là tác giả của Tiến quân ca, cố nhạc sĩ Văn Cao luôn có quyền tác giả với tác phẩm này. Bất kỳ ai muốn sử dụng tác phẩm, phải thanh toán tiền tác quyền cho nhạc sĩ Văn Cao. Tuy nhiên, năm 2016, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc kể từ thời điểm hiến tặng trở đi, bất cứ một cá nhân, tổ chức nào ở Việt Nam sử dụng tác phẩm sẽ không phải thanh toán tác quyền cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao nữa", BH Media giải thích.

Tại phần trao đổi với Tuổi trẻ Online, BH Media cho niết, mặc dù năm 2016, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có công văn gửi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đề nghị dừng thu phí bản quyền ca khúc Tiến quân ca do gia đình cố nhạc sĩ đã có thư hiến tặng cho nhân dân và nhà nước, nhưng nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, tiền bạc ra làm một bản ghi Tiến quân ca, theo Luật sở hữu trí tuệ, họ là nhà sản xuất, là chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan). Bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi của họ đều phải xin phép.

Theo BH Media, Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi nói trên. Nếu tài khoản nào đăng video sử dụng chính xác bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất thì YouTube gửi thư thông báo xác nhận bản quyền. Do đó, khi BH Media đưa bản ghi Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio lên YouTube, nếu có ai đó upload video sử dụng chính xác bản ghi này thì YouTube mới gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.

Về cáo buộc liên quan tới bản quyền video trực tiếp Lễ Quốc tang nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, BH Media cho biết qua hệ thống, công ty này phát hiện lý do video YouTube của VTV1 bị khiếu nại về bản quyền là do đây là một video lậu giả danh VTV1, sử dụng bản Tiến quân ca của Hồ Gươm Audio mà không xin phép.

Các trường hợp khác mà VTV phản ánh liên quan tới BH Media cũng tương tự

Hiện báo điện tử VTV và VTV24 vẫn bảo lưu quan điểm trong bài đăng về BH Media và bản quyền Tiến quân ca.

Thái An