Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine Covid-19

(SHTT) - Mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt vừa tham dự và phát biểu tại Hội nghị bàn tròn các Bộ trưởng KH&CN lần thứ 18. Tại đây, ông đã kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine phòng COVID-19.

Hội nghị bàn tròn các Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ lần thứ 18 là sự kiện bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Khoa học, Công nghệ với xã hội. Đây là sự kiện thường niên hằng năm được tổ chức tại Kyoto, Nhật Bản từ năm 2004 đến nay và thu hút sự tham gia của đông đảo các Bộ trưởng, các nhà lãnh đạo và cố vấn khoa học từ rất nhiều quốc gia trên thế giới, cùng trao đổi về các thách thức, triển vọng và tầm nhìn cho khoa học và công nghệ trong tương lai.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Thách thức toàn cầu trong thế giới hậu Covid-19” do Bộ trưởng phụ trách chính sách khoa học và công nghệ Nhật Bản chủ trì với đại diện đến từ 57 quốc gia, trong đó có 42 Bộ trưởng, 15 quan chức cấp Thứ trưởng và tương đương.

Thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng trong đổi mới tư duy quản lý khoa học và công nghệ bởi đại dịch Covid-19, đặt nhân loại trước bài toán sinh tử, chưa có tiền lệ, nên đòi hỏi phải có các giải pháp đặc biệt, mang tính ngoại lệ. Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy để bảo đảm cho mọi người được tiếp cận công bằng và sớm nhất có thể đối với vaccine phòng Covid-19, cần rút ngắn thời gian và trình tự đề xuất, bình duyệt và phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu; khuyến khích thử nghiệm và chấp nhận thất bại, đồng thời, thúc đẩy tinh thần khoa học mở và đổi mới sáng tạo mở.

 Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine Covid-19

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng kêu gọi ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19 nhằm mở rộng và tăng cường sản xuất vaccine trên phạm vi toàn cầu. Hình thành các nền tảng chia sẻ thông tin sáng chế, dữ liệu, công bố khoa học và phương tiện nghiên cứu nhằm giúp các nước chậm phát triển hơn có thể tiếp cận và bắt kịp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ thế giới.

Đặc biệt, vấn đề lựa chọn ưu tiên và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an toàn, an ninh cho người dân, trong đó, cần đặt người dân và con người vào trung tâm của mọi chính sách phát triển.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về cách giải quyết các thách thức toàn cầu song song với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và phát triển bền vững dựa trên vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại diện các nước đã chia sẻ bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong ứng phó với dịch bệnh nhằm hướng tới việc tiếp cận nhanh chóng và công bằng với vaccine và thuốc, phương pháp điều trị ở cấp độ toàn cầu cũng như việc quản lý rủi ro có thể xảy ra do làn sóng biến thể Covid-19 mới.

Bên cạnh đó các nội dung về biến đổi khí hậu và suy thoái đa dạng sinh học, sự nóng lên của trái đất, các thảm họa tự nhiên quy mô lớn với tần suất và mức độ ngày càng nghiêm trọng... cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, chia sẻ các thông tin về kết quả nghiên cứu để các nước cùng nhau vượt qua thách thức là một trong những giải pháp được nhiều ý kiến đề xuất.

Hạ Vi