Truy xuất nguồn gốc giúp hàng hóa cạnh tranh lành mạnh

(SHTT) - Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn thì việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa một cách chi tiết từ khâu sản xuất đến cung ứng ra thị trường là một biện pháp cần thiết và hữu hiệu.

Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi, nhận diện được một số đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, vận chuyển và kinh doanh. Hiểu một cách cụ thể, truy xuất nguồn gốc một sản phẩm cụ thể nào đó tức là phải truy xuất được thông tin theo chuỗi và phải có cơ sở dữ liệu để đảm bảo thông tin được minh bạch, rõ ràng theo thời gian thực của sản phẩm đó, nghĩa là không phải chỉ truy xuất một khâu, một công đoạn làm ra sản phẩm đó.

Đối với nhà sản xuất, truy xuất nguồn gốc giúp minh bạch thông tin trong toàn chuỗi liên kết tạo ra giá trị của sản phẩm (từ đầu vào đến quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm); giúp doanh nghiệp kiểm soát được những rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của sản phẩm, hàng hoá, đồng thời tạo sự tin tưởng từ khách hàng và uy tín cho sản phẩm trên thị trường; bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc hàng hoá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động thương mại. Đối với xuất khẩu hàng hoá, truy xuất nguồn gốc giống như hàng rào kỹ thuật, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh; khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hoá xuất khẩu, tức là doanh nghiệp đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị chung trong quá trình toàn cầu hoá. Đối với hàng hoá nhập khẩu, thông qua việc truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp có thể kiểm soát được chất lượng hàng hoá nhập khẩu tốt hơn, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

 Truy xuất nguồn gốc giúp hàng hóa cạnh tranh lành mạnh

Đối với khách hàng, truy xuất nguồn gốc là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn và chính xác nhất. Thông qua truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ cần mua một cách đầy đủ và chi tiết. Qua đó, hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ như thực phẩm, dược phẩm,... Giúp nhà bán lẻ hàng hoá dễ dàng trong hoạt động kiểm soát rủi ro phát sinh trong quá trình vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ hàng hoá bằng các thông tin chính xác trong chuỗi tạo giá trị của hàng hoá.  

Đối với Nhà nước, thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về truy xuất nguồn gốc, Nhà nước tạo cho doanh nghiệp một sân chơi chung, cạnh tranh lành mạnh, đồng thời tạo được hàng rào kỹ thuật để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mặt khác, Nhà nước tạo điều kiện để đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động truy xuất nguồn gốc, tạo môi trường cung cấp, ứng dụng nhiều giải pháp khác nhau, giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc của Việt Nam được kết nối và có được sự thừa nhận của quốc tế.

Vì vậy các chuyên gia cũng như nhiều cơ sở sản xuất cho biết, tem truy xuất nguồn gốc rất cần thiết, vì nó không chỉ thể hiện được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá, cung cấp thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng, mà còn bảo vệ uy tín của doanh nghiệp (DN). Ðặc biệt là tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái.

Bằng một chiếc tem nhỏ được dán trên sản phẩm, cùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể tra được thông tin về cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, quy trình sản xuất, cơ chế đóng gói, hạn sử dụng của sản phẩm. Nhất là người tiêu dùng có thể xác định được hàng giả, hàng thật. Tác dụng đặc biệt dành cho DN là bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình. Doanh nghiệp sử dụng tem để xác nhận sản phẩm của chính DN, thông qua đó cũng giúp DN đưa nhiều thông tin của DN, sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Những năm gần đây, khi mà truy xuất nguồn gốc trở thành xu thế và người tiêu dùng Việt ngày càng đặt niềm tin nhiều hơn vào các sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, nhiều DN đã xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa nông sản theo các tiêu chuẩn có uy tín như VietGap, GlobalGap, Organic… Song, có nhiều đơn vị không thực hiện việc truy xuất điện tử mà làm bằng tay. Nhiều DN chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin sản phẩm chứ chưa hiểu rõ quy trình truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, cũng còn không ít DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ còn gặp khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm, ngành nghề cụ thể.

Chính vì vậy, trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc và nhiều cách truy xuất nguồn gốc cũng chưa tốt. Hiện nay, những mô hình truy xuất truyền thống như nhập "hồi ký sản xuất" bằng tay để tạo QR code; sản xuất tem truy xuất dán lên sản phẩm; QR code của sản phẩm do DN tự công bố và trả tiền dịch vụ đưa vào lưu trữ trong cơ sở dữ liệu riêng... còn nhiều bất cập, người tiêu dùng không xem được các thông tin về truy xuất, hoặc thông tin truy xuất chưa đáng tin cậy.

Vì vậy cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa và quy định bắt buộc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang lưu thông trên thị trường trong nước cũng như xuất nhập khẩu. Qua đó, tạo được hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo thị trường lành mạnh. Tiếp đến là cần có đơn vị độc lập đứng ra cung cấp công cụ thông tin nhằm bảo đảm độ tin cậy của thông tin sản phẩm. Đồng thời, xây dựng các quy định cho đơn vị này trong việc đứng ra xác định nguồn gốc của sản phẩm, làm “trọng tài” cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Hình thành hệ thống thông tin - cơ sở dữ liệu áp dụng công nghệ 4.0 để chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, DN và nhà sản xuất.

Minh Thư