WHO: Không nên tiêm trộn các loại vaccine ngừa COVID-19

(SHTT) - Sau những thông tin về việc kết hợp các loại vaccine COVID-19 sẽ mang lại hiệu quả phòng COVID-19 cao hơn, chuyên gia hàng đầu của WHO mới đây đã khuyến cáo giới chức y tế thế giới rằng đây là một xu hướng có tiềm năng gây nguy hiểm do chưa có nhiều kiểm chứng.

Ngày 12/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca tử vong do đại dịch COVID-19 một lần nữa lại gia tăng, số ca nhiễm biến thể Delta đang ngày càng trở nên phổ biến và đã xuất hiện ở trên 104 nước, trong khi nhiều quốc gia vẫn chưa nhận đủ số liều vaccine để bảo vệ nhân viên y tế và người dân của mình.

Ông Tedros nhận định, khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vaccine COVID-19 đang vô cùng không đồng đều. Trong khi một số quốc gia đã thực hiện tốt việc tiêm chủng và tiếp tục đặt mua hàng triệu liều tăng cường thì một số quốc gia khác vẫn đang 'chật vật' để có thể nua được đủ vaccine đáp ứng cho miễn dịch cộng đồng.

Ông Tedros chỉ rõ các nhà sản xuất vaccine Pfizer và Moderna là những công ty đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại ở những quốc gia đã có mức độ tiêm chủng cao. Theo ông, thay vào đó, họ nên chuyển liều lượng vaccine của mình sang chương trình chia sẻ vaccine COVAX, chủ yếu dành cho các nước có thu nhập trung bình và nghèo hơn.

Chia sẻ quan điểm về việc nhiều nhà sản xuất đang tích cực chào mời tiêm vaccine tăng cường chống lại vavs biến thể COVID-19 mới nhất, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cho biết: “Tôi thực sự muốn cảnh báo mọi người. Có những người đang nghĩ về việc kết hợp vaccine, đó là một xu hướng hơi nguy hiểm. Chúng tôi chưa có dữ liệu, chưa có bằng chứng. Có rất ít dữ liệu về việc kết hợp vaccine. Sẽ xảy ra tình huống hỗn loạn ở các quốc gia nếu người dân bắt đầu quyết định khi nào họ nên dùng liều thứ hai hoặc thứ ba hoặc thứ tư".

 

Bà Soumya cũng khẳng định, việc tiêm mũi thứ 3 để tăng cường hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 cần phải dựa trên cơ sở khoa học và các dữ liệu chứ không phải dựa trên tuyên bố của các công ty riêng lẻ rằng vaccine của họ cần được sử dụng như một liều tăng cường.

Trái ngược với những tuyên bố của chuyên gia y tế tại WHO, một số thử nghiệp kết hợp 2 loại vaccine trong tiêm phòng COVID-19 đã được thực hiện và cho hiệu quả vô cùng khả quan.

Cụ thể, số liệu ở Tây Ban Nha cho thấy người tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca, mũi 2 tiêm vaccine Pfizer/BioNtech cho kết quả đáp ứng miễn dịch rất tốt, thậm chí tốt hơn khi tiêm cùng một loại.

Ở Anh, các nhà khoa học đang nghiên cứu phương án tiêm mũi 2 bằng vaccine khác như Moderna hoặc Sputnik-V… để đánh giá đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Số liệu bước đầu cũng rất khả quan.

Với vaccine AstraZeneca, nhà sản xuất vẫn khuyến cáo tiêm mũi 2 cùng loại. Hãng này cũng cho biết việc tiêm vaccine chứa thành phần mNRA cũng có cơ chế sinh miễn dịch tương tự. Vì vậy, việc tiêm 2 loại vaccine cho một người là hoàn toàn có thể.

Trong thời gian này,  cũng đang có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn được thử nghiệm trước khi đưa ra khuyến cáo cuối cùng.

 

Bà Swaminathan có thể đề cập đến nhà sản xuất dược phẩm Pfizer của Mỹ, công ty đã thông báo vào tuần trước rằng có thể cần tiêm mũi vaccine thứ ba để duy trì khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã phản đối thông báo của Pfizer bằng một tuyên bố chung nhắc lại rằng hai liều vaccine có hiệu quả vào thời điểm hiện tại.

 Thái An