Đức thử nghiệm mặt trời nhân tạo lớn nhất thế giới

(SHTT) - Các nhà khoa học Đức đang thử nghiệm mặt trời nhân tạo có thể tạo ra năng lượng lớn gấp 10.000 lần bức xạ Mặt Trời chiếu đến Trái Đất và đạt nhiệt độ 3.000 độ C.

 

Theo thông tin gần đây của International Business Times, các nhà khoa học Đức ở viện Nghiên cứu Mặt Trời đã thử nghiệm cỗ máy Synlight - Mặt Trời nhân tạo lớn nhất thế giới. Mục đính của thí nghiệm là khám phá tiềm năng của nguồn năng lượng sạch dễ tái tạo, tạo ra nhiên liệu thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các nhà khoa học hy vọng có thể thử nghiệm quy trình sản xuất nhiên liệu Mặt Trời như hydro.

Thí nghiệm này được tiến hành ở Julich, cách thành phố Cologne của Đức khoảng 30 km về phía tây. Thí nghiệm bao gồm 149 đèn công suất lớn tạo ra ánh sáng có cường độ gấp 10.000 lần ánh sáng Mặt Trời.

Nếu tất cả các đèn bật ở mức 350 kW và chiếu tập trung ánh sáng vào một điểm duy nhất thì có thể tạo ra mức nhiệt 3.500 độ C, gấp 2 - 3 lần nhiệt độ lò nung.

 

Giáo sư Bernhard Hoffschmidt, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức, cho biết thí nghiệm này là chìa khoá để thử nghiệm các phương pháp mới tạo ra hydro. Hydro được coi là nhiên liệu của tương lai vì nó không thải khí carbon khi đốt. Trong khi toàn cầu đang đối mặt với thay đổi khí hậu thì việc tạo ra hydro sẽ làm chậm lại quá trình này. 

 

Ông Hoffschmidt cũng thừa nhận do đặc tính dễ bay hơi nên việc đưa nhiên liệu này vào thực tế còn cần nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, bằng cách kết hợp nó với carbon monoxide được tạo ra từ các nguồn tái tạo, các nhà khoa học sẽ có thể tạo ra nhiên liệu sinh thái thân thiện cho ngành hàng không.

Synlight là thành quả của gần hai năm nghiên cứu với chi phí vào khoảng 3,8 triệu USD. 

 

Lê Phương