Pin từ cây đậu tương thân thiện với môi trường

(SHTT) - Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme Kansas (KPRC), Hoa Kỳ đã phát minh ra một loại pin mới thân thiện với môi trường hơn từ cây đậu tương. Sản phẩm mới được tạo ra nhằm thay thế các loại pin làm từ than hoạt tính thông thường.

Có tính ứng dụng cao, những viên pin đã, đang và sẽ là một công cụ lưu trữ năng lượng được sử dụng phổ biến trong đời sống con người. Nhu cầu sử dụng pin trên toàn cầu ngày càng tăng cao với mức 10-12% một năm đã biến sản xuất pin trở thành ngành công nghiệp lớn trị giá đến 100 tỷ đô.

Tuy nhiên, trong pin hiện nay thường có các kim loại như chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín… Vì vậy nếu không được tiêu hủy đúng quy trình pin thải sẽ trở thành mối nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Tuy nhiên, các loại pin này có thể sẽ không còn trở thành mối lo ngại đối với mội trường trong tương lai bởi các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm tại KPRC, nằm trong Đại học Pittsburg (PSU) do Phó Giáo sư Gupta dẫn đầu với sự hỗ trợ của các sinh viên chuyên ngành hóa học polyme, Trường Cao đẳng Nghệ thuật & Khoa học tại PSU đã phát minh ra một loại pin sinh học mới được sản xuất từ các bộ phận không có giá trị thương mại như thân, vỏ, lá của câu đậu tương sau khi thu hoạch đậu nành.

Phát minh nhằm mục đích thay thế các loại pin thông thường làm từ than hoạt tính 

Phát minh của Phó giáo sư Gupta nhằm mục đích thay thế các loại pin sử dụng than hoạt tính thông thường đắt tiền hơn và được làm từ nhiên liệu hóa thạch. Sau khi được cấp bằng sáng chế, công nghệ về loại pin mới này sẽ được bán ra thị trường.

Ông Gupta cho biết đây là phát minh quan trọng đối với người nông dân cũng như lĩnh vực năng lượng xanh. Sáng kiến này sẽ làm tăng giá trị cho cây đậu tương và tạo ra một thị trường mới.

  Nghiên cứu sử dụng thân, lá, vỏ sau khi thu hoạch hạt đậu nành

Được biết, đậu nành hay đậu tương là cây trồng phố biến nhất ở tiểu bang Missouri và là một trong 10 cây trồng hàng đầu ở tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ.

Kyle Durham, một nông dân đến từ Norborne, Missouri, đồng thời là người đứng đầu tổ chức buôn bán đậu nành tại Missouri cho rằng đậu nành là một loại cây trồng vô cùng phổ biến vì vậy việc phát triển các công dụng mới cho tất cả các bộ phận của cây là một cơ hội có tiềm năng phát triển, hứa hẹn trong tương lai.

Ông cho biết thêm: “Chúng tôi đề cao nghiên cứu sản xuất pin từ đậu nành và hi vọng có thể phát triển quan hệ đối tác với các công ty công nghệ”.

Tổ chức này cũng đã tài trợ cho nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học do Phó Giáo sư Gupta dẫn đầu. Hiện nghiên cứu vẫn được ông Gupta và các cộng sự tiếp tục hoàn thành. Ông cho biết: “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là sản xuất pin các-bon kép, với cả hai điện cực có hiệu quả cao hơn được làm bằng sinh khối thay thế cho loại pin 1 điện cực được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô với thời gian sạc chỉ trong 10 đến 15 phút thay vì một vài giờ.”

Ngọc Đỗ