100% bệnh nhân COVID-19 về từ Campuchia mang biến thể Anh và Nam Phi

(SHTT) - Theo kết quả giải trình tự gene của các ca nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam, 85,7% mẫu bệnh phẩm mang biến thể Anh và 14,3% mang biến thể Nam Phi.

Theo công bố từ Viện Pasteur TP.HCM, kết quả giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam cho thấy, 85,7% mẫu bệnh phẩm mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi).

 

Theo các nhà khoa học, biến chủng B.1.1.7, phát hiện lần đầu tại ở Kent, đông nam nước Anh, hồi tháng 9/2020. Chủng B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với chủng trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao và rất ngắn, tỷ lệ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ.

Biến thể mới tại Nam Phi B.1.351, lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Vịnh Nelson Mandela hồi tháng 10. Đến nay, biến chủng này đã ghi nhận tại 30 quốc gia trên thế giới.

Các nghiên cứu mới nhất cho thấy, chủng này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 20-200% so với chủng ban đầu, là chủng có tốc độ lây lan mạnh nhất hiện nay.

Biến chủng mới cũng làm giảm khả năng bảo vệ của vắc xin. Theo thử nghiệm mới nhất, hiệu quả bảo vệ vắc xin của Mỹ là Novavax với chủng mới ở Nam Phi chỉ còn 60%, trong khi hiệu quả với các chủng khác là 90%.

Trước đó, nhận định về tình hình dịch bệnh trong nước, PTT Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam hiện "giống như cánh đồng trũng, bên ngoài vẫn nước cao, sóng to, gió lớn” nên chúng ta phải “bao cho chặt”. Phó Thủ tướng cũng khuyến cáo, chỉ cần có một ca nhiễm trong cộng đồng cũng có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong những ngày lễ lớn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt chỉ đạo thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các biện pháp: Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.

 

Đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt công tác giám sát chặt chẽ các tuyến biên giới; xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép. Các đại phương cầm phải luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng phản ứng khi xuất hiện bất cứ ca nhiễm COVID-19 mới nào trên địa bàn, tránh tình trạng lây lan trên diện rộng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế: Rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch ở quy mô quốc gia, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh.

Rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong tình hình mới, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn trong các sự kiện, hoạt động có tập trung đông người, tại các cơ sở thường xuyên tập trung đông người.

Khẩn trương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; phân bổ và tổ chức tiêm vắc xin phù hợp với tình hình diễn biến dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để vắc xin bị quá hạn. Tiếp tục chủ động tiếp cận với các nguồn vắc xin khác trên thế giới đồng thời tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước.

Tăng cường tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Thái An