Khoai tây có thể được trồng trên sao Hỏa?

(SHTT) - Mới đây, NASA đã thực hiện một cuộc thử nghiệm “trồng khoai tây trên sao Hoả” và thu được kết quả đáng bất ngờ.

Khoai tây có thể được trồng trên sao Hỏa? 

Các nhà khoa học tại NASA và Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP) ở Lima, Pêru, đã xây dựng một thí nghiệm trồng loại củ này, nhằm tái tạo các điều kiện khắc nghiệt trên bề mặt sao Hỏa.

Tháng 2 năm 2017, các nhà nghiên cứu đã lấy một mẫu đất “chết” ra khỏi sa mạc Pampas de la Joya của Peru, trồng củ giống trong đó, đóng dấu hộp và bắt đầu quay phim để quan sát hiện tượng.

Cây giống được trồng bên trong một hộp phóng tên lửa được gọi là CubeSat. CubeSat được trang bị máy bơm, ống nước, đèn LED và dụng cụ đo nhiệt độ sao Hỏa, chu kỳ ánh sáng ngày và đêm, khí và áp suất không khí.

"Kết quả sơ bộ cho thấy dấu hiệu tích cực", theo một thông cáo báo chí của CIP . Theo đó, các nhà khoa học cho rằng: Nếu khoai tây có thể sinh trưởng trong đất sa mạc thì cũng có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt của sao Hỏa.

Nhưng vẫn xuất hiện nhiều nghi ngờ xung quanh vấn đề này. Nhiều người cho rằng, đất trồng khoai tây không phải được lấy từ sao Hỏa. Mặc dù nó đã khô cằn, nhưng có lẽ vẫn có những vi khuẩn có thể đã giúp tăng trưởng cây khoai tây.

CIP, NASA và các tổ chức khác đang tìm cách nghiên cứu một số loại khoai tây khác, bao gồm các giống đặc biệt đã được lai tạo để chịu được điều kiện khắc nghiệt, xem liệu chúng có thể tồn tại trong hộp CubeSat,.

Ngoài việc giúp các nhà du hành vũ trụ trong tương lai, công trình này cũng có lợi cho con người trên trái đất.

Walter Amoros, một nhà tạo giống khoai tây tại CIP cho biết: "Kết quả cho thấy những nỗ lực của chúng tôi trong việc tạo ra các giống tiềm năng, giúp tăng cường an ninh lương thực tại những khu vực đang và sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu”.

Phạm Thiện