Dựa dẫm mạng xã hội càng sâu, nỗi cô đơn càng tăng

(SHTT) - Theo một nghiên cứu trên quy mô toàn nước Mỹ với đối tượng là thanh thiếu niên được công bố trên Mashable gần đây, thời gian dành cho các mạng xã hội như Facebook, Twitter... càng nhiều thì con người càng cảm thấy cô đơn.

Qua nghiên cứu này có thể thấy, việc truy cập mạng xã hội thường xuyên có quan hệ mật thiết tới việc gia tăng cảm giác cô lập giống hội chứng sợ bị lãng quên FOMO (Fear of missing out).

Truy cập mạng xã hội thường xuyên có quan hệ mật thiết tới việc gia tăng cảm giác cô lập giống hội chứng sợ bị lãng quên FOMO

Brian Primack, tác giả chính của nghiên cứu đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Truyền thông, Công nghệ và Y tế thuộc Đại học Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ nhận định con người vốn là sinh vật sống thành cộng đồng nhưng cuộc sống hiện đại lại có xu hướng khiến chúng ta ngày càng xa rời nhau: “Lẽ ra mạng xã hội và các công nghệ hiện đại xuất hiện để lấp đầy những khoảng trống thì giờ đây tác dụng của nó lại đi ngược lại với mong muốn chính đáng ấy”.

Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Tạp chí Y học Dự phòng Mỹ hôm 6/3.

Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã khảo sát gần 1.800 người Mỹ ở độ tuổi 19 - 32. Những người tham gia sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến mức độ thường xuyên và thời gian sử dụng mạng xã hội. 11 mạng xã hội phổ biến nhất xuất hiện trong bảng khảo sát là Facebook, YouTube, Twitter, Google Plus, Instagram, Snapchat, Reddit, Tumblr, Pinterest, Vine and LinkedIn. Các nhà nghiên cứu nhận ra những người sử dụng mạng xã hội nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày cảm thấy cô lập gấp 2 lần so với những người chỉ sử dụng mạng xã hội trong 30 phút. Những người truy cập mạng xã hội từ 58 lần/tuần có cảm giác cô đơn gấp 3 lần những người vào ít hơn 9 lần/tuần.

Dựa dẫm mạng xã hội càng sâu, nỗi cô đơn càng tăng 

Brian Primack và các đồng nghiệp nhận định nhiều nghiên cứu cần được thực hiện để hiểu được những vấn đề bất cập xung quanh việc sử dụng mạng xã hội. Nhưng họ cũng đưa ra 3 lập luận để khẳng định đắm chìm trong mạng xã hội khiến người ta cảm thấy cô đơn nhiều hơn.

Thứ nhất, con người có ít thời gian “sống thực” hơn khi dành quá nhiều thời gian “sống ảo” qua smartphone hay laptop.

Thứ hai, mạng xã hội đôi khi khiến người sử dụng cảm thấy bị “lãng quên” ví dụ khi xem ảnh bạn bè tham gia tiệc nhưng bạn lại chẳng biết gì cũng chẳng được tham gia bữa tiệc này.

Cuối cùng, rất ít người trong chúng ta chia sẻ những chuyện nhàm chán, đau khổ hay áp lực trong cuộc sống lên mạng xã hội. Thay vào đó, những hình ảnh đã được chỉnh sửa qua nhiều phần mềm cho lung linh hơn tràn ngập trên mạng sẽ khiến người xem ganh tị, buồn bã hơn.

Sử dụng thường xuyên mạng xã hội khiến con người cảm thấy cô đơn và khiến chúng ta đối mặt với câu hỏi lớn: Mạng xã hội đang mở rộng khoảng cách ngày càng lớn giữa con người hay đơn giản chỉ là “đòn bẩy” cho những cảm xúc có sẵn trở nên ngày càng nghiêm trọng?

Lê Phương