Chế tạo thành công phôi nhân tạo đầu tiên từ tế bào gốc

(SHTT) - Theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Science, các nhà khoa học Anh đã phát triển thành công phôi thai chuột nhân tạo đầu tiên sử dụng hai loại tế bào gốc sớm.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, các nhà sinh vật học tại đại học Cambridge, Magdalena Zernicka-Goetz cho biết họ đã sử dụng hai loại tế bào gốc gồm tế bào gốc phôi và tế bào gốc lá nuôi phôi tạo thành nhau thai để phát triển thành công một cấu trúc tự động lắp ráp và có khả năng giao tiếp với nhau mà không cần thêm tác động của con người, rất giống phôi thai tự nhiên.

Zernicka-Goetz và các đồng nghiệp đã đặt tế bào gốc phôi và tế bào gốc lá nuôi phôi vào một khung hình 3D mô phỏng ngoại bào và được hỗ trợ trong sự phát triển của các tế bào non. Gần 5 ngày sau, nhóm thu được tế bào có cấu trúc và hình thái giống như phôi chuột tự nhiên.

Chế tạo thành công phôi nhân tạo đầu tiên từ tế bào gốc 

Các nhà khoa học có thể sử dụng các phương pháp tương tự để phát triển và nghiên cứu phôi người trong tương lai gần. Zernicka-Goetz chia sẻ với tờ Reuters: "Điều này sẽ cho phép chúng tôi nghiên cứu các khía cạnh quan trọng trong giai đoạn phát triển bào thai con người và tìm ra nguyên nhân gây ra các vấn đề thường gặp mà không cần phải làm việc trên phôi thai người thật”.

Zernicka-Goetz cũng cho biết, sự hợp tác giữa các tế bào gốc để hình thành phôi là yếu tố quyết định để tế bào phát triển thành hình dạng chính xác và các cơ chế sinh học không thể xảy ra vào đúng thời điểm. Một loại tế bào gốc thứ 3 có chức năng hình thành túi noãn hoàng, sẽ được thêm vào để tạo ra phôi thai nhân tạo với đầy đủ chức năng trong tương lai.

Tuy nhiên, đề xuất này đặt ra vô số câu hỏi về đạo đức. Hiện nay, các nhà sinh vật học chỉ có thể sử dụng phôi người đã bỏ đi và được phép giữ chúng trong 14 ngày sau khi thụ tinh.

James Adjaye, nhà nghiên cứu tế bào gốc tại Đại học Heinrich Heine, Đức, từng chia sẻ với với tờ The Telegraph: "Một cơ quan quản lý sẽ quyết định xem phôi người có thể được tạo ra và sử dụng trong bao lâu trước khi đặt lại vào đĩa petri để tiếp tục phát triển. Tất nhiên, cần phải có một cuộc đối thoại quốc tế về việc điều chỉnh các thí nghiệm như vậy."

Lê Phương