Acrylamide trong thực phẩm có thể gây ung thư?

(SHTT) - Theo báo cáo của cơ quan FSA (Food Standards Agency) mới đây, chất acrylamide trong bánh mỳ và khoai tây nướng cháy có thể gây ung thư.

Acrylamide là gì?

 Acrylamide có nhiều trong khoai tây chiên

Acrylamide là một chất hóa học tự nhiên, hình thành khi các loại thực phẩm giàu tinh bột như bánh mỳ, khoai tây được nấu chín trong thời gian dài ở nhiệt độ cao (hơn 120 độ C) bằng phương pháp chiên, nướng, quay. Acrylamide có dạng tinh thể màu trắng, không mùi, dễ tan trong nước (2155g/l nước), tan chảy ở 84,5 độ C, nhiệt độ sôi 125 độ C (ở áp suất 25 mmHg).

Tuy chất này là một chất hóa học có trong tự nhiên và luôn hiện diên trong thực phẩm, nhưng các chuyên gia lo ngại nếu tiếp xúc thường xuyên với chất này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Chúng ta có nên lo lắng về acrylamide trong thực phẩm?

Nghiên cứu khoa học trên chuột cho thấy acrylamide là một chất có khả năng gây ung thư vì nó can thiệp vào DNA của tế bào. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy acrylamide gây ung thư ở người. FDA đang vận động để nâng cao nhận thức của người dân và đưa ra những cách giảm mức độ tiếp xúc với acrylamide trong nấu ăn và ngành công nghiệp thực phẩm. Tổ chức này khuyến cáo nên thay đổi cách thức chế biến thực phẩm.

Theo NHS, việc tiếp xúc với thực phẩm giàu acrylamide trong thời gian dài là nhân tố rủi ro dẫn đến ung thư. Tổ chức này dẫn lời WHO khi mô tả acrylamide : “có thể gây ung thư cho người”. Tuy vậy, WHO cũng cho hay, nguy cơ phát triển ung thư do chất acrylamide hiện chưa chắc chắn.

Vì vậy, dù không có bằng chứng thuyết phục cho thấy acrylamide là chất gây ung thư ở người, chúng ta vẫn nên hạn chế tiếp xúc chất này ít nhất có thể để đảm bảo sức khỏe.

Những thực phẩm có chứa acrylamide

Thực phẩm giàu carbohydrate như bánh mì, hạt cà phê rang, các sản phẩm từ khoai tây như khoai tây chiên, khoai tây nướng và một số sản phẩm ngũ cốc, lúa mì có hàm lượng acrylamide cao nhất.

FSA đề xuất một vài lời khuyên để hạn chế xúc tác với acrylamide

- Không nấu quá chín thực phẩm tinh bộ

- Xem xét thời gian và nhiệt độ chế biến.

- Thay thế chế độ ăn với mì ống, gạo và một số loại trái cây, rau củ.

- Đọc kỹ hướng dẫn nấu ăn và tuân thủ thời gian chế biến.

- Tránh lưu giữ khoai tây trong tủ lạnh hoặc để khoai ra ngoài trước khi nấu khoảng 30 phút

Phạm Trang