Nhận diện sinh trắc học thông qua kiểu dáng mạch máu

(SHTT) - Sau công nghệ sinh trắc học bằng khuôn mặt, mống mắt và dấu vân tay, mới đây, các nhà khoa học quốc tế đã phát triển thành công thêm phương pháp nhận diện mới thông qua kiểu dáng mạch máu trên mu bàn tay.

Công nghệ bảo mật bằng sinh trắc học đang ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây do các tính năng ưu việt về độ an toàn, bảo mật. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, những thủ đoạn tinh vi đang dần khiến độ an toàn của các công cụ nhận diện bằng khuôn mặt, mống mắt và dấu vân tay dần trở nên yếu kém hơn.

Để nâng tầm an toàn cho công nghệ bảo mật sinh trắc, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trường Kỹ thuật và Khoa học Máy tính thuộc Đại học New South Wales đã phát triển nhận diện kiểu dáng mạch máu trên mu bàn tay.

Theo Syed Shah, nhà nghiên cứu tại Trường Kỹ thuật và Khoa học Máy tính thuộc Đại học New South Wales, các phương pháp sinh trắc học hiện nay đều có những điểm yếu 'chết chóc'. Cụ thể, dấu vân tay có thể thu thập từ bề mặt mà một người vừa chạm vào để sao chép và tạo dấu vân tay giả, công nghệ nhận diện khuôn mặt đôi khi bị đánh lừa bằng cách dùng ảnh chụp trên mạng xã hội, kính áp tròng có thể đối phó với công nghệ mống mắt.

Tuy nhiên, với công nghệ mới, các yếu điểm trên sẽ được giải quyết. 

Công nghệ nhận diện bằng kiểu dáng mạch máu trên mu bàn tay giúp hạn chế khả năng 'vượt rào' của các đối tượng xấu.

"Các mạch máu nằm dưới da nên không để lại vết như dấu vân tay, cũng không sẵn có trên mạng xã hội như ảnh chụp khuôn mặt và cũng không thể lén lút lấy mẫu như mống mắt. Vì vậy, chúng tôi tin rằng phương pháp nhận diện bằng mạch máu sẽ khó qua mặt hơn", Shah giải thích.

Trong các thử nghiệm với nhóm 35 người tham gia, các nhà nghiên cứu đã sử dụng camera chiều sâu Intel RealSense D415 Depth, nhóm nghiên cứu chụp 17.500 bức ảnh của 35 người tham gia. Những người này sẽ nắm tay lại, để lộ kiểu dáng mạch máu của bàn tay.

Tiếp theo, nhóm chuyên gia dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tách lấy các đặc điểm riêng biệt từ những mẫu hình này. Chúng có thể giúp nhận diện một cá nhân với độ chính xác hơn 99%.

Shah cho biết, công nghệ nhận diện bằng kiểu dáng mạch máu không mới, tuy nhiên, trước đây chúng đòi hỏi công nghệ vô cùng phức tạo, trong khi, phương pháp mới chỉ cần tới camera 3D sẵn có.

Thông tin đăng tải về nghiên cứu này trên tạp chí IET Biometrics cho biết, công nghệ nhận diện bằng mạch máu có thể dùng để xác thực trên các thiết bị cá nhân như máy tính xách tay và điện thoại di động.

An An