Bắc Giang: Thu giữ 1.800 sản phẩm nghi giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

(SHTT) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra, tạm giữ 1.800 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng do nước ngoài sản xuất.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 2, số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang và Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Hiệp Hòa tiến hành kiểm tra Cửa hàng AE Shop Việt Nam do ông Nguyễn Văn Mừng làm chủ, có địa chỉ tại xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Kết quả kiểm tra phát hiện cửa hàng của ông Nguyễn Văn Mừng đang bày bán hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng và hàng hóa do nước ngoài sản xuất.

Trong đó, hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton, Burberry, D&G, Adidas, Nike là 1.101 sản phẩm, bao gồm quần áo, giầy thể thao, giầy da, thắt lưng.Hàng hóa do nước ngoài sản xuất là 699 sản phẩm, bao gồm quần bò, quần soóc bò, áo phông cộc tay và sục nam.

 Bắc Giang: Thu giữ 1.800 sản phẩm nghi giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa trên. Cơ quan chức năng tiếp tục đấu tranh làm rõ vụ việc.

Trong khi đó, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng phối hợp với Công an phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa đã bất ngờ kiểm tra, phát hiện một kho hàng chứa các sản phẩm giả nhiều nhãn hiệu nổi tiếng với số lượng lên tới hơn 6.000 sản phẩm.

Cụ thể, vào thời điểm kiểm tra tại cơ sở kinh doanh Hoai Dior Nguyên, tại số nhà 38B - C8 thuộc phu phố 11, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, do Nguyễn Thị Hoài (sinh năm 1986) làm chủ, lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Biên Hòa phát hiện kho hàng rộng hàng trăm mét vuông chứa các sản phẩm túi xách, va ly, ba lô, kính mắt...

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng bước đầu xác định có khoảng 6.000 sản phẩm trong kho giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường hiện nay.

Làm việc với lực lượng Công an, Hoài khai nhận số hàng trên được nhập từ một số chợ tại Thành phố Hồ Chí Minh về tiêu thụ. Đây đa số là hàng giả nhãn hiệu của các sản phẩm nổi tiếng được vợ chồng Hoài nhập về rồi vừa phân phối cho một số đầu mối tại thành phố Biên Hòa, vừa trực tiếp chở tới cổng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bán cho công nhân để kiếm lời.Ngoài ra, thời gian gần đây, vợ chồng Hoài còn lên mạng xã hội quảng cáo, rao bán các sản phẩm này. Cơ sở kinh doanh Hoai Dior Nguyên hoạt động đã được khoảng hơn 1 năm nay.

Hiện, Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng trên để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Châu