Mỹ phát triển công nghệ mới giúp cải thiện khả năng học ngoại ngữ

(SHTT) - Các nhà sinh học thần kinh tại Đại học Pittsburgh và Đại học California (Mỹ) mới đây đã công bố một công nghệ mới được tích hợp trong công cụ có hình dáng tương tự như 1 chiếc tai nghe giúp cải thiện khả năng học ngoại ngữ cho con người.

Đây là một thiết bị đặc biệt được nhóm các nhà khoa học thiết kế để sử dụng kỹ thuật không xâm lấn, gọi là kích thích thần kinh phế vị qua da (transcutaneous vagus nerve stimulation, tVNS). Phương pháp này dựa trên việc đặt vào trong tai một thiết bị kích thích nhỏ, có khả năng kích hoạt thần kinh phế vị nhờ các xung điện cường độ thấp. 

 

Để thực hiện thí nghiệm với công nghệ mới, các nhà khoa học chọn lựa 36 người nói tiếng Anh để huấn luyện họ nhận biết 4 thanh điệu của tiếng Trung do ngôn ngữ này được nhận định là một trong những thứ tiếng khó học nhất trên thế giới. Trong tiếng Trung người ta sử dụng sự thay đổi thanh điệu đặc trưng để biểu hiện nghĩa của từ.

Những người tham gia thí nghiệm nhận được các xung điện cường độ thấp nhận biết thanh điệu tốt hơn khoảng 13% và đạt các kết quả nhanh hơn 2 lần so với những người thuộc nhóm đối chứng.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tiếp tực thực hiện các thử nghiệm sâu hơn để kiểm tra tác động của xung điện kéo dài tới khả năng phân biệt thanh điệu khó của các tình nguyện viên.

Việc kích thích thần kinh phế vị được áp dụng trong chữa trị bệnh động kinh, trầm cảm, mặc dù các nhà khoa học chưa biết cụ thể việc kích thích này có ảnh hưởng như thế nào đối với cơ thể. Tuy nhiên, phần lớn các phép trị liệu được biết đến đều sử dụng các dạng kích thích xâm lấn cùng máy phát xung điện cấy vào lồng ngực.

Trong tương lai, khả năng gây ra các tác nhân kích thích với việc sử dụng công nghệ đơn giản, không xâm lấn, có thể dẫn tới các ứng dụng an toàn, chi phí thấp.

Thái An