Số doanh nghiệp xin giải thể trong cả nước tăng nhanh

(SHTT) - Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp được thành lập và quay lại hoạt động thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước xin rút khỏi thị trường hàng ngày hàng giờ. Trước tình hình này, Nghị quyết của Chính phủ đã đưa ra nhiệm vụ giải pháp để phát triển số doanh nghiệp.

Mới đây, tình hình kinh tế - xã hội đến hết tháng 11 đã được cụ thể trong báo cáo của Tổng cục Thống kê. 

Theo báo cáo này, cả nước có gần 10.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 với vốn đăng ký 87.000 tỷ đồng. Như vậy, tính chung 11 tháng thì có 101.600 doanh nghiệp trên cả nước được thành lập mới với tổng vốn là 797.000 tỷ đồng. Như vậy so với cùng kỳ năm ngoái thì thì số doanh nghiệp đã tăng lên 17,1% và số vốn đăng ký cũng tăng thêm 48,1%.

 Số doanh nghiệp xin giải thể trong cả nước tăng nhanh. Đồ hoạ: K.Linh

Trong khi đó số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động từ đầu năm đến nay là 24.500 doanh nghiệp, tức là tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước. Qua số liệu ghi nhận được càng cho thấy các giải pháp cùng khuôn khổ pháp lý mới mà Chính phủ đưa ra trong việc khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đang phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên bên cạnh những doanh nghiệp được thành lập thì có tới 10.500 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể và sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh, sản xuất trong 11 tháng qua. Như vậy so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp giải thể đã tăng 23,6%. Không chỉ vậy, cả nước còn có 54.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Nếu tính trung bình thì mỗi giờ có khoảng 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường và mỗi ngày có 195 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

 Mỗi giờ có khoảng 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Trước tình hình này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Cụ thể, mục tiêu mà Nghị quyết đưa ra đến năm 2020 là cả nước phải có 1 triệu doanh nghiệp. Trong đó, khu vực tư nhân đóng góp 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30-35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm.

Bên cạnh mục tiêu đặt ra, Nghị quyết cũng đưa ra một số giải pháp, nhiệm vụ như cải cách hành chính, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử đồng thời tạo thuận lợi để doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển, giảm chi phí kinh doanh.

PV