Điện thoại SAMSUNG: Người tiêu dùng băn khoăn về chất lượng sản phẩm

(SHTT) – Samsung luôn được biết đến là một trong những ông trùm của làng Smartphone. Các sản phẩm của nhà sản xuất Hàn Quốc thường được ưa chuộng bởi tính hiện đại, bắt mắt với hiệu năng hoạt động cao và giá cả hợp lý. Vậy chất lượng của sản phẩm này được người tiêu dùng đánh giá ra sao?

Phản ánh tới Tạp chí Sở hữu trí tuệ Online, Anh Võ Thành Trung (Tây Hồ  - Hà Nội ) cho biết, vào tháng 4/2019, đã mua tại Thế Giới Di Động chiếc điện thoại SAMSUNG A50 (theo hình thức trả góp).  Đến tháng 8/2019 thì xuất hiện vết màu loang dần trên màn hình điện thoại. Mang tới trung tâm bảo hành, sau khi kiểm tra, nhân viên kỹ thuật tại đây cho biết, chiếc điện thoại kể trên bị lỗi màn hình (lỗi do nhà sản xuất), do đó bộ phận kỹ thuật đã tiến hành thay màn hình mới cho khách hàng. Sau khi được thay linh kiện thì chiếc điện thoại sử dụng bình thường.

Đến tháng 5/2020, chiếc điện thoại bỗng có hiện tượng bị treo máy, và tự khởi động lại. Lúc đầu hiện tượng xảy ra với tần xuất 1 vài ngày 1 lần, sau đó hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn, và cuối cùng là liên tục khiến thiết bị gần như không thể sử dụng bình thường được.

Tiếp tục mang tới trung tâm bảo hành để kiểm tra, sau 1 tuần thì khách hàng nhận được thông tin từ bộ phận kỹ thuật với nội dung nhiều khả năng chiếc điện thoại kể trên bị lỗi bảng mạch điện tử và sẽ phải thay mới với giá 2,5 triệu đồng.

Giá linh kiện tại trung tâm bảo hành SAMSUNG 

Tuy nhiên, việc khiến khách hàng không khỏi băn khoăn là chiếc điện thoại vẫn đang dùng bình thường, không rơi vỡ, va đập hay bị vào nước... nhưng sản phẩm lại “bỗng nhiên” gặp lỗi sau khi vừa hết thời gian bảo hành?

Báo giá tại cửa hàng điện thoại 

Qua trao đổi với nhân viên kỹ thuật của SAMSUNG, khách hàng được biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗi kỹ thuật của bảng mạch, ví dụ như rơi vỡ, va đập, nhúng nước, cũng có thể lỗi ở 1 vi mạch hoặc tụ nào đó trên bảng mạch. Nhưng trường hợp bị lỗi như trường hợp này rất ít gặp hay gần như chưa thấy?

Nhân viên kỹ thuật cũng cho hay, để kiểm tra được lỗi này do khách quan hay chủ quan là điều khó nói. Và đối với sản phẩm đã hết bảo hành, các bộ phận được thay mới cho thiết bị sẽ được tính theo mức giá qui định với thời gian bảo hành bộ phận thay mới là 3 tháng.

Trao đổi với phóng viên Sở hữu trí tuệ, anh Trung không khỏi băn khoăn về chất lượng thực sự của sản phẩm mà mình đã mua. Anh cho biết, sau khi điện thoại xảy ra lỗi như trên, tôi đã mang ra nơi mua để kiểm tra (cửa hàng điện thoại Thế Giới Di Động - pv). Bạn nhân viên tại đây cho biết đó có thể là lỗi của phần mềm, gần đây 1 vài dòng điện thoại SAMSUNG là A và J cũng thường gặp lỗi này. Ngoài ra, theo hướng dẫn của kỹ thiuật viên, tôi đã chạy lại phần mềm của máy, nhưng không cải thiện được tình hình nên mới mang ra hãng và được báo là cần thay Main?

 

Cấu tạo của 1 chiếc máy điện thoại thông minh (smart phone) gồm:

1. Màn hình điện thoại

2. Pin - trái tim trong cấu tạo điện thoại smartphone

3. Hệ thống trên 1 con chip SoC

4. Bộ xử lý trung tâm CPU

5. Modem kết nối

6. Camera

Trong đó ngoài màn hình và pin là bộ phận tách rời. Thì các bộ phận vi mạch bộ xử lí đều được gắn trên bảng mạch, hay còn được gọi là Main. Main được ví như “bộ não” của chiếc điện thoại, là bộ phận điều khiển mọi hoạt động của máy do đó có thể nói đây là bộ phân chiếm vị trí vô cùng quan trọng đối với chiếc smart phone. Main bị hỏng thường là một trong những lỗi rất nặng và không thể sửa chữa được.

Khi tra cứu trên mạng, sẽ dễ dàng tìm thấy rất nhiều thông tin về các lỗi tương tự như treo máy, tự khởi động lại nguồn giống như trường hợp kể trên. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, lỗi trên điện thoại Samsung được chia thành 2 loại: lỗi phần mềm hoặc phần cứng. Lỗi liên quan đến Main được xếp vào lỗi phần cứng.

Bạn cần thay Main điện thoại Samsung khi Mainboard máy bạn không còn khả năng sửa chữa hoặc sửa chữa nhưng dùng không ổn định và chỉ trong thời gian ngắn.

Thông thường, bạn chỉ cần thay Main điện thoại Samsung khi máy gặp phải những lỗi rất nặng như chết CPU (chip tổng của máy), vô nước chập cháy trên diện rộng,… Còn lại, các lỗi như gẫy chân sạc, gẫy chân sim, không nhận Wifi, chạm main gây nóng máy, hao pin… đa phần đều còn khả năng sửa chữa và không cần thiết phải thay Main.

Về mặt chi phí, giá sửa chữa sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc thay Mainboard mới.

Vấn đề là ở đây, nhiều bạn khi mang máy ra các đơn vị sửa chữa, bảo hành, đặc biệt là các trung tâm bảo hành chính hãng thường nhận được kết quả báo thay Main với giá khá cao.

Bởi tại những đơn vị này, thường không chuyên về công tác sửa chữa và chính sách của hãng cũng là thay mới Mainboard chứ không sửa. Điều đó có nghĩa, trong một số trường hợp, máy vẫn còn khả năng sửa chữa và sử dụng ổn định với chi phí sửa chữa chỉ vài trăm ngàn, nhưng vì không biết đến chi tiết này nên bạn đã chấp nhận thay Main với giá vài triệu đồng.

 

Ở trường hợp này, với thời hạn trong bảo hành là 12 tháng. Và đột nhiên đếb tháng thứ 13 thì điện thoại lỗi 1 trong những bộ phận quan trọng nhất. Có phải ngay từ ban đầu, nhà sản xuất đã tính toán thời gian bảo hành vừa đủ với độ bền các bộ phận của máy để sau khi vừa hết bảo hành thì người dùng sẽ phải thay thế linh kiện hoặc đổi điện thoại mới? Liệu người tiêu dùng có nên nghi ngờ về chất lượng thực tế của sản phẩm hay không?

Và liệu có phải đối với những sản phẩm hết thời gian bảo hành, thì các trung tâm của SAMSUNG sẽ không sửa chữa và chỉ thay mới linh kiện mà không cần “biết bệnh” hay không?

Sở hữu trí tuệ đã liên hệ với Công ty TNHH điện tử SAMSUNG VINA để tìm hiểu về nội dung nêu trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bắc Hiệp