Hồng giòn Đà Lạt có nguy cơ xóa sổ do thông tin thất thiệt

(SHTT) - Mặc dù là đặc sản nổi tiếng nhưng gần đây hồng giòn Đà Lạt chịu nhiều thông tin thất thiệt khiến sản phẩm bị ế ẩm. Chính vì vậy người dân tỏ ra chán nản với loài cây này, diện tích trồng loại trái hồng này ngày càng giảm.

 Với người dân sống ở Đà Lạt thì hồng giòn đã gắn bó với họ hơn 30 năm nay và trở thành loại đặc sản có một không hai tại Việt Nam. Nhưng khi thị trường này ngày càng phát triển thì cũng dẫn đến khá nhiều vấn đề, sản phẩm đã bị đánh tráo nhiều bởi trái hồng nhập từ Trung Quốc.

Người tiêu dùng nhầm lẫn khiến cho đặc sản hồng mang thương hiệu Đà Lạt - Lâm Đồng đã bị sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc đánh bật ngay tại thị trường trong nước. 

 Hồng giòn Đà Lạt có nguy cơ xóa sổ do thông tin thất thiệt

Nếu đi dọc đèo Prenn và đèo Minosa, du khách có thể thấy bạt ngạt những sạp hàng bán trái hồng này nhưng nó lại có giá rẻ mạt, chỉ từ 3 - 5 ngàn đồng/kg. Không chỉ vậy, thị trường tiêu thụ hồng cũng bị ảnh hưởng bởi người dân lo sợ hồng bị nhúng thuốc độc hại nên các đầu mối lớn ở khắp nơi đều thông báo không nhập hàng. Thực tế nếu chuẩn là hồng Đà Lạt thì mỗi trái ở đây đều được cho vào máy lau làm bóng. Chính điều này khiến các nông dân trồng hồng ở thành phố sương mù cũng chán nản và phải "ngoảnh mặt làm ngơ" chặt bỏ không thương tiếc loài cây đã từng giúp họ vươn lên làm giàu.

Ngay đến thủ phủ của loài cây ăn trái này, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương, người dân trồng hồng cũng đang khá chật vật. Cuộc sống, hoạt động sản xuất của bà con bị ảnh hưởng rất nhiều một cách oan uổng. Từ đó, nông dân bỏ bê, không chăm sóc nên vùng đặc sản nổi tiếng này đang có nguy cơ bị xoá sổ.

 Người dân Đà Lạt chán nản với việc trồng hồng

Ông Trần Xuân Thưởng, năm nay 85 tuổi, gắn bó với xứ sở hồng ăn quả nổi tiếng ở thị trấn D’Ran cũng cảm thấy xót xa trước nguy cơ đặc sản này sẽ biến mất. Ông cho hay những năm về trước, kinh tế của người dân ngày càng vững là nhờ trái hồng này. Khi thị trường ổn định, nhiều thương lái ở Hà Nội tìm vào mua với mức giá cao từ 18.000 đến 25.000 đồng/kg. Vậy mà mấy năm gần đây giá hồng cứ rớt thê thảm, thấp đến mức xuống hơn 10 lần so trước đó.

Trước tình hình, dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận hồng ăn trái Đà Lạt – Lâm Đồng” của ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đang triển khai nhằm bảo đảm việc kiểm soát chất lượng, tăng cường xúc tiến thương mại và nâng cao giá trị kinh tế cho loại trái cây đặc sản này của Việt Nam.

 Các ngành chức năng đang cố gắng để lấy lại thị trường hồng giòn Đà Lạt

Tronng khi đó, UBND TP Đà Lạt cũng đã xây dựng Đề án “Xử lý hồng sấy khô theo chuẩn Nhật”, với mục tiêu xuất khẩu hồng Đà Lạt sang các thị trường trong khu vực.

Hương Mi