Bộ Công Thương: Nguồn dự trữ hàng hóa cho Hà Nội vẫn dồi dào

(SHTT) - Sáng 7/3, Bộ Công Thương phát đi thông báo về tình hình cung ứng hàng hóa tại Hà Nội. Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định nguồn dự trữ hàng hóa vẫn dồi dào, đảm bảo nguồn cung nên người dân sinh sống trên địa bàn thủ đô không cần hoang mang, lo lắng.

Tại cuộc họp khẩn vào sáng 7/3, Bộ Công Thương cho biết, Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối, lượng khách đến mua hàng từ sáng hôm nay có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.

Bộ Công thương khẳng định Hà Nội sẽ được cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết, người dân không cần đổ xô đi mua hàng tích trữ để tránh dịch bùng phát .

Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân trong giai đoạn dịch bệnh, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với trước.

Ngay trong hôm nay, hệ thống các siêu thị đang triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân.

Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương TP. Hà Nội, cơ quan này đã chỉ đạo các siêu thị tăng nguồn cung, đồng thời tăng cường kiểm tra việc cung ứng hàng hóa. Sở cũng phối hợp với các nhà phân phối, các quận, huyện tuyên truyền để người dân an tâm và hạn chế mua hàng hóa tích trữ.

“Hiện việc kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các Bộ triển khai quyết liệt và sát sao nên người dân tại Hà Nội không nên quá hoang mang, lo lắng”, thông báo nêu.

Theo Bộ Công Thương, Hà Nội đã xuất hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên, do đó, cơ quan này đang chỉ đạo sát sao việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu.

Hiện tượng này có thể bắt gặp ở bất kỳ siêu thị lớn bé hay của hàng tạp hóa nào đó tại Hà Nội do tâm lý mùa dịch của người dân. 

Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho thủ đô.

Trước đó, vào đêm ngày 6/3, ngay sau khi thành phố Hà Nội xác nhận xuất hiện ca dương tính với Covid-19 đầu tiên trên địa bàn, nhiều người dân trên địa bàn đã nhanh chóng tới các siêu thị gần nhất để mua lương thực tích trữ. 

Trong các cửa hàng tiện lợi, 12h đêm ngày 6/3, rạng sáng ngày 7/3, từng đoàn người đổ xô tới vơ vét các các mặt hàng nhu yếu phẩm như nước đóng chai, mì ăn liền, giấy vệ sinh,... Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, các kệ hàng đã gần như trống trơn, các cửa hàng đều trong tình trạng "cháy hàng". Các mặt hàng thực phẩm như rau củ quả cũng nhanh chóng hết hàng. 

 Người dân thậm chí đã đi gom hàng ngay trong đêm khi thông tin về ca dương tính với Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội được chính quyền xác nhận.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên người dân Hà Nội hoảng loạn đổ xô đi tích trữ hàng hoá trước mỗi sự cố. 

Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng khẩu trang, nước rửa tay khi dịch Covid - 19 bùng phát. Giá khẩu trang y tế đã tăng từ 4-5 lần, thậm chí ghi nhận tình trạng tăng giá tới tới 20 lần so với giá trị gốc. 

Mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay đã trở nên khan hiếm từ đầu mùa dịch đến nay, do lượng cung không đủ cầu. Mặc dù các doanh nghiệp đã cam kết tung ra thị trường hàng triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn. 

Vào sáng 7/3, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông Bộ Y tế khuyến cáo người dân lúc này cần nhất là bình tĩnh.

“Đừng hoảng loạn, đừng vội vã chạy đi mua sắm, tích trữ đồ ăn thức uống, giấy vệ sinh. Mọi thứ sẽ được cung ứng đủ, không bị thiếu. Mua bán trong lúc này có thể buộc bạn phải xếp hàng rất dài, mà tập trung đông người trong một không gian hẹp là điều không nên. Vừa rồi chúng ta đã chống dịch rất tốt. Virus Corona chắc chắn không thể đánh bại chúng ta”, ông Cường nói.

Đối với những người ở trong khu vực Trúc Bạch, Times City ông Cường cũng khuyến cáo đừng hoảng loạn. Bởi nếu không tiếp xúc gần với những người đã tiếp xúc gần với với ca bệnh thứ 17 thì khả năng an toàn là rất cao. Vì thế, mọi người hãy thực hiện những biện pháp phòng bệnh mà Bộ Y tế hướng dẫn, hãy lắng nghe lời khuyên của chính quyền và y tế sở tại.

Còn đối với những ai đã rời khỏi Times City tối qua đừng quên theo dõi sức khoẻ của mình; hợp tác với tổ dân phố và y tế nơi mình đến “sơ tán” để được hướng dẫn và trợ giúp.

Đặc biệt, với tất cả những ai đã và sắp trở về từ vùng có dịch, ông Cường đề nghị hãy trung thực khai báo y tế về những nơi mà mình đã đi qua, về tình trạng sức khoẻ của mình trong những ngày gần đây, hãy chủ động xin cách ly để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, của gia đình, bạn bè, người thân và của cả cộng đồng.

Trước đó, 22h tối 6/3, UBND Hà Nội đã có cuộc họp khẩn sau khi phát hiện một trường hợp nhiễm Covid-19. Bệnh nhân được xác định là Nguyễn Hồng Nhung, sinh năm 1993, hiện thường trú ở số 125 đường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.

Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy, Nguyễn Hồng Nhung đã dương tính với virus Covid - 19. 

Bệnh nhân này đã nhanh chóng được cách li. Toàn bộ khu phố, bệnh viện nơi bệnh nhân từng đến đã được phong toả và phun thuốc sát khuẩn. 

Nam An