Covid-19 đã lan rộng tới tất cả các châu lục có người sống trên Trái Đất

(SHTT) - Tính đến hết ngày 28/2, đã có thêm 8 quốc gia xuất hiện các ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số quốc gia có ca nhiễm dương tính với Covid-19 lên 60 quốc gia.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp với tốc độ lây lan đáng sợ. Tính đến hết ngày 28/2, đã có thêm 8 quốc gia mới bao gồm: Azerbaijan, Belarus, Nigieria, New Zealand, Monaco, Lithuania, Iceland, Mexico thông báo có ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại các châu lục có người sống trên Trái Đất  tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Theo dữ liệu từ trang thống kê toàn cầu Worldometers cập nhật đến 7h ngày 29/2, toàn thế giới có 2.876 ca tử vong và 84.185 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Số ca hồi phục là 36.904.

Hàn Quốc hiện đang là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới. Tính đến hết ngày 28/2 nước này đã ghi nhận thêm 571 ca nhiễm mới và 3 trường hợp tử vong, nâng tống số ca nhiễm lên đến 2.337 và số ca tử vong lên 16.

Tại Iran, tình hình cũng không khả quan hơn Hàn Quốc khi trong ngày hôm qua (28/2), nước này ghi nhận thêm 8 trường hợp tử vong nâng số ca tử vong do dịch Covid-19 lên đến 34 người, trong khi số ca nhiễm là 388. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Iran vào thời điểm này là cao thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc đại lục.

Tại châu Âu, Italy đang trở thành tâm điểm của dịch Covid-19. Nước này đứng sau Hàn Quốc về số ca nhiễm mới, với 234 ca ghi nhận trong ngày hôm qua. Italy đã có thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên thành 21.

Trung Quốc sau khi được đánh giá đã chạm tới đỉnh dịch các ca nhiễm mới theo từng ngày cũng giảm đáng kể về số lượng.

Tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus 

Trong cuộc họp gần đây, WHO đã nâng mức cảnh báo của dịch bệnh Covid-19 từ mức cao lên rất cao. 

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết, "Chúng tôi đã tăng mức đánh giá về nguy cơ lây lan và ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên mức rất cao ở quy mô toàn cầu". Ông cũng nhấn mạnh đây là mức đánh giá rủi ro cao nhất của WHO về dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông Tedros cũng cho rằng hiện dịch bệnh vẫn còn có thể ngăn chặn được khi phần lớn các ca nhiễm đều bắt nguồn từ việc có tiếp xúc với người nhiễm; hoặc có liên hệ với những người nhiễm bệnh trước đó.

"Chúng tôi hiện chưa có bằng chứng về việc virus này đang lây lan tự do trong cộng đồng. Với tình hình này, chúng ta vẫn có cơ hội kiềm chế sự lây lan của virus nếu có hành động quyết liệt trong việc phát hiện, cách ly và chăm sóc cho các ca mắc", Tổng Giám đốc WHO nói.

Nói về nguyên nhân của quyết định trên, Phó Tổng Giám đốc WHO Mike Ryan cho biết: "Việc nâng mức báo động phản ánh đúng điều gì đang xảy ra ở quy mô toàn cầu: ngày càng nhiều quốc gia phải vật lộn với việc ngăn chặn dịch bệnh, và vì thế chúng tôi phải nâng mức báo động".

An An