Doanh nghiệp phải bảo hộ cho tài sản trí tuệ của mình, đồng thời đầu tư tìm ra cái mới trước người khác

(SHTT) - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nhận định, mặc dù tri thức là của chung tất cả mọi người nhưng đến một giai đoạn nào đó tài sản trí tuệ phải được bảo hộ.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, chuyển đổi công nghệ và đổi mới sáng tạo là “chìa khóa” để Việt Nam vững bước trên con đường phát triển kinh tế và thoát khỏi bẫy thu nhập thấp, doanh nghiệp (DN) Việt sẽ gặp nhiều rủi ro. Là một người trong ngành hiểu rõ vấn đề nên ông nói: “Rủi ro nhiều thì lợi nhuận lớn. Tôi tin rằng tất cả các DN đều hiểu khi đã kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro. Nếu thành công 100% thì không bao giờ là DN cả”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng nhận định, mặc dù tri thức là của chung tất cả mọi người nhưng đến một giai đoạn nào đó tài sản trí tuệ phải được bảo hộ. Cũng như khai hoang vùng đất mới, ai cắm cờ trước thì những người đến sau không được cắm nữa và trong công nghệ ai đi trước và thực hiện bảo hộ thì người đi sau phải trả tiền mua hoặc thuê công nghệ. Bởi vậy, DN phải có ý thức bảo hộ cho tài sản trí tuệ của mình cũng như phải đầu tư tìm ra cái mới trước người khác.

 

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, DN phải xác định rõ, muốn đi nhanh phải đổi mới công nghệ, cập nhật công nghệ một cách nhanh nhất, kể cả công nghệ số. Và muốn đi xa thì chỉ có cách DN phải làm chủ và hấp thụ công nghệ.

Đặc biệt đối với DN vừa và nhỏ, Thứ trưởng lưu ý, ngoài việc đổi mới, hấp thụ công nghệ, cần chú trọng đổi mới quy trình. Bởi đây là một trong những điểm yếu của DN Việt Nam đồng thời với công nghệ mới cập nhật mà không đổi mới hệ thống quản lý, DN Việt Nam sẽ không thể tận dụng hiệu quả công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới, không nâng cao năng suất lao động doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo Ông Phan Minh Tân, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ Giản Đơn (STI) cho hay, công nghệ giúp doanh nghiệp biến đổi mô hình kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng quản trị, tối ưu hóa hệ thống; nhân rộng quy mô hoạt động.

Mặc dù, công nghệ thực sự là lợi thế và là công cụ nhưng không phải tất cả, không thể thay đổi được cốt lõi chất lượng sản phẩm dịch vụ.

Ông Tân cho biết, công nghệ đưa các doanh nghiệp Việt trong một số ngành lĩnh vực truyền thống trước áp lực cạnh tranh rất lớn nếu không chuyển mình.

Tuy nhiên, nếu hiểu sai về công nghệ sẽ dẫn tới việc ứng dụng không trọn vẹn và không hiệu quả, gây lãng phí về tài nguyên và nguồn lực. Doanh nghiệp cần biết tập trung vào các giá trị cốt lõi của mình và đó là chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Bàn về giải pháp đổi mới công nghệ và chuyển dịch lao động trong nông nghiệp, ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc nhận định, khoa học công nghệ đã có những bước phát triển đột phá trong 2 thập kỷ qua.

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã mang lại sự phát triển của nhiều ngành nghề khác nhau; đặc biệt trong nông nghiệp và thủy sản với những giải pháp thành công đột phá.

Những năm qua, thủy sản là một trong những ngành có đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.

Ngành thủy sản Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp thủy sản Việt Nam có cơ hội tổ chức lại hoạt động sản xuất, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ và hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất cho sản phẩm chất lượng cao hơn.

Các doanh nghiệp hàng đầu ngành như Việt Úc cũng đã chủ động đưa các giải pháp công nghệ vào trong từng phân khúc và thu được nhiều thành quả đáng khích lệ.

Công nghệ và việc ứng dụng các thành tựu của đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa, là cánh cửa để doanh nghiệp từng bước vươn ra thế giới.

Hoài Anh