Tại sao đang yên đang lành chân lại bị chuột rút?

(SHTT) - Chuột rút không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng nó lại là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của bạn.

Nhiều người không hiểu vì sao họ thường xuyên bị chuột rút bất kể là khi đang vận động hay ngồi yên một chỗ. Chuột rút là hiện tượng khá thường gặp, nguyên nhân chủ yếu là do sự co chặt cơ liên tục, ngoài ý muốn. Khi bị chuột rút bạn thường có cảm giác đau đớn, thậm chí là rất đau và không có khả năng cử động cơ đó nữa trong chốc lát. 

Ước tính có khoảng 95% người đã từng trải qua một cơn chuột rút. Nó càng phổ biến và ngày càng trở nên thường xuyên hơn khi cơ thể bạn bước sang giai đoạn lão hoá. Tuy nhiên, trẻ em cũng rất hay bị chuột rút.

Bất kỳ cơ nào nằm dưới sự kiểm soát của cơ xương đều có thể bị chuột rút. Chứng chuột rút ở các chi, đặc biệt là bụng chân và bàn chân là rất phổ biến

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến chuột rút. Nguyên nhân thứ nhất là thiếu ôxy đến cơ, nguyên nhân thứ hai là thiếu nước và muối ăn. Các rối loạn điện giải có thể gây ra chuột rút hay tetany của cơ, đặc biệt là hạ canxi máu (thiếu canxi) hoặc hạ kali máu (thiếu kali) (chẳng hạn như khi ra mồ hôi quá nhiều mà không được bù đắp).

Ngoài ra, các nguyên nhân thường gặp dẫn đến chuột rút gồm sự căng cơ quá mức, ngồi lâu không vận động, sử dụng đồ uống có cồn, cơ bắp phải làm việc nhiều, rối loại chức năng thần kinh thực vật... Một số phụ nữ mang thai cũng hay bị chuột rút, nhiều khi vào ban đêm. 

Để giảm thiểu tình trạng bị chuột rút, bạn nên uống đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày, khoảng từ 6 đến 8 cốc, tương đương 1,5 đến 2 lít nước. Tập thể dục thường xuyên và khởi động kỹ trước khi tập luyện. Đi bộ nhẹ nhàng hoặc massage chân trước khi đi ngủ. Áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ. Tránh stress, căng thẳng quá độ có thể dẫn đến chuột rút, khiến cho hoóc môn trong cơ thể mất cân bằng, nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tăng cao.

TH