Nga nuôi thành công thịt bò nhân tạo bằng công nghệ tế bào gốc

(SHTT) - Từ tế bào mô cơ của giống bò Angus nổi tiếng, các nhà khoa học Nga đã nuôi thành công một viên thịt nhân tạo nặng 40g trong thùng chứa vi sinh.

Các nhà khoa học Nga đã nuôi cấy tế bào gốc bắp bò trong thùng chứa vi sinh. Quá trình này tương tự quá trình lên men bia và sữa chua, để giúp các mô cơ mới phát triển. 

Để sản xuất được 40g thịt sạch như vậy, Công ty Ochakovo đã mất 2 năm nghiên cứu với chi phí khoảng 14 nghìn USD. Tuy nhiên, hiện công ty đang thử nghiệm công nghệ mới. Nếu thành công, một 1kg thịt sẽ chỉ có giá là 5 USD, thậm chí là rẻ hơn.

Theo các nhà khoa học, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm tốt hơn thịt tự nhiên, không chỉ bởi việc sản phẩm không chứa kháng sinh. Thịt trong phòng thí nghiệm còn có thể được bổ sung vitamin hay sắt hoặc có thể điều chỉnh mùi vị theo ý của khách hàng.

Các nhà nghiên cứu công nghệ mới khẳng định đây là thức ăn bền vững về môi trường duy nhất để đáp ứng nhu cầu về thịt mà theo dự đoán của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc là sẽ tăng gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2050.

Hiện nay, không chỉ Nga mà nhiều nước như Mỹ, Israel hay Trung Quốc cũng đang tích cực thúc đẩy các nghiên cứu về thịt nhân tạo, nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm.

Thịt nhân tạo đang dần trở thành trào lưu mới trong giới khoa học công nghệ khắp thế giới. 

Mới đây, Trung Quốc cũng đã ký hiệp định thương mại trị giá 300 triệu USD với Israel về cung cấp thịt nhân tạo. Lượng thịt sẽ được xuất khẩu chủ yếu từ 3 công ty gồm SuperMeat, Future Meat Technologies và Meat the Future. Động thái này được cho là nỗ lực của quốc gia tỷ dân trong việc giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường và khí hậu.   

Cơ quan Cải cách và Viện Xuất khẩu Israel là 2 trung tâm đã đứng ra đàm phán với Trung Quốc. Họ cũng đã tham gia hội thảo về thịt nuôi trong phòng thí nghiệm tổ chức lần đầu tiên tại Haifa (Israel) tháng 5 vừa qua.

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp thịt nhân tạo tại Israel, rất nhiều công trình nghiên cứu quy mô cũng đang diễn ra ở Mỹ. Công ty Memphis Meats vừa nhận được 17 triệu USD từ tỷ phú Bill Gates và Richard Branson, trong khi Hampton Creek đã có kế hoạch thương mại hóa sản phẩm, sớm nhất vào năm sau. Ngay cả những thương hiệu thực phẩm lớn như Tyson foods cũng bắt đầu đặt chân vào lĩnh vực này.

Các chuyên gia thực phẩm nhận định, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm được tạo ra từ tế bào của các loài động vật. Tuy chi phí sản xuất khá cao nhưng những sản phẩm này lại có thể góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dùng tốt hơn so với các loại thịt được nuôi bằng phương pháp tự nhiên.

Lâm An