PGS.TS. Mai Hà: Khoa học công nghệ là công cụ sắc bén của phát triển quốc gia

(SHTT) - Tại buổi tọa đàm tại ĐHQG Hà Nội, PGS.TS. Mai Hà đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn thiết thực cho các nhà khoa học trẻ trong việc hoạch định chiến lược khoa học công nghệ.

Tiếp sau hội thảo “Tăng cường ảnh hưởng của công bố khoa học quốc tế”, Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQG Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm thứ hai trong năm 2019 với chủ đề: “Kinh nghiệm và phương pháp xây dựng chiến lược khoa học công nghệ - định hướng chiến lược cho nhà khoa học trẻ”.

Câu lạc bộ Nhà Khoa học ĐHQGHN (VSL) được thành lập với sứ mệnh phát triển đội ngũ nhà khoa học trẻ năng động, nhiệt huyết, sáng tạo, chuyên môn cao luôn đồng hành với chiến lược phát triển chung của toàn ĐHQGHN.

 Buổi tọa đàm với chủ đề: “Kinh nghiệm và phương pháp xây dựng chiến lược khoa học công nghệ - định hướng chiến lược cho nhà khoa học trẻ”

Câu lạc bộ xác định nhà khoa học trẻ là lực lượng quan trọng đảm nhiệm các nhiệm vụ khoa học công nghệ của trường đại học, các cơ quan, tổ chức. Với các nhà nghiên cứu, giảng viên, các nhà quản lý,... làm việc trong trường đại học, việc phân tích và xây dựng chiến lược khoa học công nghệ là điều hết sức cần thiết để có thể phác thảo kế hoạch phát triển bản thân, xác định tầm nhìn cho sự nghiệp khoa học của mình và tạo đà cho những thành công của nhà khoa học trong các nhiệm vụ khoa học - công nghệ của bản thân, đơn vị.

Diễn giả của buổi tọa đàm là PGS.TS. Mai Hà - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách KHCN. Ông đã từng có những công trình tiêu biểu như: "Khoa học và Công nghệ Việt Nam hướng tới hội nhập", đăng trong Tạp chí "Xã hội học"; "Vị trí xã hội của người tài trong giai đoạn phát triển hiện nay", đăng trong Tạp chí "Nghiên cứu Conngười"; "Xu thế phát triển khoa học và công nghệ thế giới", dadwng trong cuốn sách "Cục diện thế giới đến 2020"...

 PGS.TS. Mai Hà - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách KHCN

PGS.TS. Mai Hà cũng từng giữ các vị trí quan trọng khác như: Tổng biên tập Tạp chí khoa học và Công nghệ của ASEAN (từ 7/2005-7/2008); Tổng biên tập Tạp chí “Chính sách và Quản lý KH&CN” (từ 10/2010-4/2013); Phó Tổng biên tập Tạp chí “Khoa học và Công nghệ Nano” (từ 10/2006-6/2012); Ủy viên Hội đồng biên tập Tạp chí “Khoa học và Công nghệ Việt Nam” (từ 2011 đến 2014); Ủy viên Hội đồng biên tập Tạp chí khoa học và Công nghệ của ASEAN (từ 7/2008-3/2017); Giảng viên kiêm nhiệm của ĐH KHXH và NV, Khoa Khoa học Quản lý; ĐH Văn hóa Hà Nội của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Khoa học Xã hội; Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam (từ tháng 1/2016-nay).

Với những kiến thức chia sẻ trong buổi tọa đàm, PGS.TS. Mai Hà mong muốn đem lại những kinh nghiệm thực tiễn thiết thực cho các nhà khoa học trẻ trong việc hoạch định chiến lược khoa học công nghệ cho bản thân, đơn vị và tổ chức, giúp các nhà khoa học trẻ tiết kiệm thời gian tìm đường hướng cho sự nghiệp của mình và có thể đạt tới những thành công xuất sắc trong sự nghiệp.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Mai Hà cho biết: Khoa học công nghệ là công cụ sắc bén của phát triển quốc gia. Công cụ này chỉ được sử dụng khi quá trình cần hiệu quả đích thực. Công cụ này bắt buộc phải được dùng khi có cạnh tranh sinh tồn.

Theo ông, sự phát triển quốc gia cần 8 chữ vàng là: Then chốt - Động lực - Nền tảng - Quốc sách. Trong đó, then chốt của sự phát triển là lãnh đạo quốc gia đủ tầm để xác định chủ thuyết Khoa học phát triển quốc gia. Động lực của phát triển là môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nền tảng của phát triển là nền văn hóa vì sự phát triển. Và quốc sách trong phát triển có thể là bất cứ lĩnh vực nào, tùy từng giai đoạn lịch sử và phụ thuộc vào tầm dư duy chiến lược và bản lĩnh hành động của lãnh đạo quốc gia.

PGS.TS. Mai Hà cũng cho biết thực chất của công nghiệp hóa, hiện đại hóa chính là quá trình vận dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ, dựa trên những đổi mới công nghệ nhằm chuyển hệ thống kinh tế - xã hội của đất nước từ trạng thái năng suất thấp, dựa trên lao động thủ công là chính sang một hệ thống có năng suất và hiệu quả cao dựa trên những phương pháp công nghiệp và những công nghệ tiên tiến. Xu thế phát triển kinh tế - xã hội ngày càng hướng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành có hàm lượng khoa học và công nghệ cao.

Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành nhân tố bên trong của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phải tập trung nghiên cứu giải quyết một số vấn đề có tính chất tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ quan trọng của đất nước.

Một trong những đặc điểm quan trọng của thời đại ngày nay là sự phát triển năng động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại và ảnh hưởng to lớn của nó đến mọi mặt của đời sống xã hội con người, đặc biệt là đối với lĩnh vực kinh tế. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại làm xuất hiện và ngày càng mở rộng một nền công nghệ mới, một nền sản xuất với kỹ thuật cao làm thay đổi phương thức lao động, tổ chức và lối sống của con người. Đặc điểm cơ bản của cuộc cách mạng này là sự bùng nổ công nghệ và rút ngắn vòng đời của các công nghệ mới. Tiềm lực mạnh về khoa học và công nghệ đang là một lợi thế cạnh tranh rất đáng kể của các nước phát triển. Khoa học và công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của một nước. Ngày nay, khi đánh giá sức mạnh của một quốc gia, bên cạnh những chỉ số truyền thống khác, người ta còn căn cứ vào năng lực khoa học và công nghệ như là một trong những chỉ số quan trọng có ý nghĩa.

Có thể nói rằng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ với vai trò của khoa học và công nghệ là nền tảng, là động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực chất là chiến lược phát triển đất nước bằng khoa học và công nghệ.

Hương Mi