Phát triển mạng xã hội, công cụ tìm kiếm của Việt Nam: “Miếng bánh” không dễ xơi

(SHTT) - Việc phát triển mạng xã hội tại Việt Nam đang mà mảnh đất "màu mỡ" đang được nhiều nhà mạng quan tâm.

Phát triển mạng xã hội, công cụ tìm kiếm của Việt Nam: “Miếng bánh” không dễ xơi 

Tờ ĐTTCO đưa tin, theo báo cáo mới nhất của Bộ TT-TT, tính đến cuối tháng 6/2019, Facebook công bố số lượng người dùng MXH hàng tháng tại Việt Nam khoảng 60 - 65 triệu người, số lượng người sử dụng YouTube hàng tháng vào khoảng 30 triệu người, còn Zalo và Mocha (của Viettel) lần lượt khoảng 46,7 triệu người và 4,8 triệu người dùng mỗi tháng.

Nhìn vào con số, xu hướng phát triển kinh tế số, MXH vẫn là mảnh đất màu mỡ. Ngày 23/7 vừa qua, mạng xã hội Gapo đã chính thức ra mắt, đồng thời nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Captital. Nhưng ngay ngày đầu ra mắt, người dùng Gapo phản ánh về việc gặp các lỗi như không thay được ảnh, không truy cập được, mất quá nhiều thời gian tạo tài khoản...

Ngay sau đó, Gapo đã ra thông báo bảo trì hệ thống để nâng cấp và sửa lỗi. Theo chiến lược, Gapo tham vọng trong giai đoạn đầu đạt mục tiêu 50 triệu người dùng. Hơn nữa, trong tương lai, Gapo sẽ chia sẻ một phần doanh thu của mình cho khách hàng, khiến cộng đồng MXH lại thêm… dậy sóng.

Trước đó, vào tháng 6/2019, với mong muốn mang lại trải nghiệm hoàn toàn mới cho cộng đồng đam mê du lịch, Công ty Hahalolo trình làng MXH du lịch đầu tiên của người Việt. Nhưng rồi sau đó cộng đồng mạng xôn xao chuyện Hahalolo sao chép không ít tính năng của Facebook, gặp lỗi khi đăng ký, đăng nhập… Dư luận càng nghi vấn hơn sau tuyên bố của ông Nguyễn Văn Hạ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mạng xã hội du lịch Hahalolo, rằng sẽ đạt số lượng 2 tỷ người dùng trong 5 năm tới và vượt mặt cả Facebook.

Thực tế đã có một số MXH ra đời với những tuyên bố hùng hồn nhưng rồi ngay sau đó không lâu “chết không kèn không trống”. Ngay như Zalo lớn mạnh, trở thành Zalo Group, thì cả CEO Công ty cổ phần VNG là ông Lê Hồng Minh muốn can thiệp chưa chắc đã được. Chẳng hạn, ZaloPay muốn cùng với Zalo để phát triển khách hàng dùng ví điện tử nhưng phía Zalo không đồng ý nên đành chịu, vì Zalo đang nắm trong tay gần như tất cả data của người dùng các dịch vụ của Công ty cổ phần VNG.

Báo Dân sinh đưa tin, tham vọng của Hahalolo và Gapo không phải không có cơ sở, khi nhu cầu kết nối, tham gia mạng xã hội của người Việt vẫn còn khá nhiều. 

Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều lựa chọn về mạng xã hội Việt Nam hay các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc cùng với thói quen sử dụng mạng xã hội toàn cầu Facebook, khiến người dùng sẽ e ngại khi chuyển sang các mạng xã hội mới vẫn chưa được vận hành trơn tru hoặc không có nhiều khác biệt.

Thống kê của The Research Service đã chỉ ra rằng, Việt Nam hiện được xếp thứ 7 về số lượng người dùng Facebook với khoảng 60 triệu người sử dụng. Việc so kè Facebook vẫn còn khá nhiều gian nan với các mạng xã hội Việt.

Trước Gapo và Hahalolo, cũng từng có thời kỳ, mạng xã hội Việt phát triển rầm rộ với rất nhiều cái tên như Tầm Tay (tamtay.vn) với mục tiêu soán ngôi Facebook.

Sau gần 10 năm hoạt động, cuối cùng tamtay.vn vẫn phải đóng cửa hồi tháng 8/2018. Việc không cập nhật xu hướng của người dùng đã chuyển từ viết blog sang chia sẻ trạng thái, hình ảnh và video được cho là một trong những nguyên nhân khiến mạng xã hội này mất đi sức hút.

Hoàng Oanh