Chật vật mở lại đường vào Trung Quốc, Google bất ngờ bỏ cuộc giữa chừng

(SHTT) - Sau thời gian dài thực hiện kế hoạch phát triển một công cụ tìm kiếm riêng dành cho thị trường Trung Quốc mang tên Dragonfly, Google mới đây bất ngời tuyên bố bỏ cuộc vì lý do vô cùng đơn giản.

Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn chia sẻ về công cụ tìm kiếm dành cho thị trường Trung Quốc gây nhiều tranh cãi vào năm ngoái với Reuters, ông Karan Bhatia, Phó chủ tịch phụ trách mảng chính sách của Google, đã tuyên bố "Chúng tôi đã chấm dứt dự án Dragonfly".

 

Trước đó, trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ về tình hình kinh doanh tại thị trường Trung Quốc của Google hôm 16/7 vừa qua, ông Bhatia cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự.

Trong cuộc phỏng vấn với The Verge, phát ngôn viên của Google cũng cho biết: "Chúng tôi không có kế hoạch ra mắt phần mềm tìm kiếm nào tại Trung Quốc và hiện không có bất cứ hoạt động nào liên quan tớidự án này. Thành viên trong đội ngũ đã chuyển sang các dự án mới".

 

Dragonfly là dự án xây dựng và phát triển một bộ công cụ tìm kiếm của Google với nội dung được điều chỉnh để phù hợp hoàn toàn với yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Đây được coi là nỗ lực để Google mở con đường máu trở lại với thị trường tỷ dân sau khi Google Search bị cấm tại quốc gia này.

Thông tin về Dragonfly được giữ rất kín, thậm chí tới mức, ngay cả nội bộ Google cũng không được biết bất cứ điều gì về công cụ này. Hầu hết nhân viên chỉ biết đến khi trang Intercept đưa tin vào tháng 8 năm ngoái.

 

Thông tin về Dragonfly sau khi dược công bố đã gây phản ứng dữ dội từ các nhân viên. Một bức thư tập thể được trình lên với hơn 1.400 chữ ký yêu cầu Google ngừng triển khai dự án cũng đã được gửi lên lãnh đạo của Google. Tháng 11/2018, hàng trăm nhân viên cũng ký đơn yêu cầu hủy bỏ Dragonfly. Nhiều nhân viên thậm chí còn nghỉ việc và đình công để phản đối tới cùng dự án này.

Việc công nhân, viên chức của Google đứng lên phản đối dự án của công ty là điều không quá lạ lẫm. Cụ thể, vào tháng 10/2018, Google thậm chí đã buộc phải hủy hợp đồng công nghệ khổng lồ trị giá 10 tỷ USD với Lầu Năm Góc sau khi 4.000 nhân viên gửi đơn ký tên phản đối vào tháng 7 trước đó.

Lâm An