Tập đoàn TH trao chìa khóa vàng cho nông dân

(SHTT) - Với mục tiêu “Không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau”, Tập đoàn TH đã đồng hành cùng người nông dân, giúp họ tạo ra một ly sữa chuẩn hóa, áp dụng mô hình nuôi tập trung, phát triển đến từng hộ nông dân bằng cách thông qua hợp tác xã.

Sau thành công của trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao ở Nghĩa Đàn, Nghệ An, Tập đoàn TH tiếp tục triển khai dự án tại nhiều vùng miền khác của Việt Nam như Phú Yên, Hà Giang… và nay là Thanh Hóa. Dự án trang trại bò sữa tại Thanh Hóa sẽ kế thừa những thành tựu chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi sạch mà Tập đoàn TH đã triển khai thành công.

Dự án có quy mô 20.000 con bò sữa, nhà máy chế biến sữa công suất 300 tấn sữa/ngày do Tập đoàn TH đầu tư với tổng vốn trên 3.800 tỷ đồng. Hai cụm trang trại được xây dựng tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình, huyện Nông Cống.

 Tập đoàn TH trao chìa khóa vàng cho nông dân

Điều đặc biệt ở dự án này, đó là tập đoàn TH sẽ đưa người nông dân đồng hành, giúp họ tạo ra một ly sữa chuẩn hóa bằng cách áp dựng công nghệ cao (công nghệ điện toán đám mây, internet vạn vật) vào không chỉ mô hình nuôi tập trung, mà còn phát triển đến từng hộ nông dân, bằng cách thông qua hợp tác xã. Đây là bước đi tập đoàn TH đã thực hiện tại Đà Lạt, thông qua thương hiệu Dalatmilk, giờ đây là Thanh Hóa và tiếp theo là Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Củ Chi (TPHCM), Ba Vì (Hà Nội)... Cách làm này sẽ khởi xướng ra một một mô hình chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân để cùng nhau chiến thắng.

Những hộ dân nuôi bò sữa, lần đầu tiên sẽ được TH đưa trở thành một mắt xích quan trọng trong quy trình chăn nuôi, sản xuất sữa tươi sạch công nghệ cao. Những công nghệ mà TH đã áp dụng cũng sẽ được ứng dụng trong các nông hộ, để đảm bảo những ly sữa từ bò của nông hộ sẽ có chất lượng quốc tế, đồng nhất về chất lượng với sữa từ trang trại tập trung của TH. Những sản phẩm của TH cũng như của người nông dân đã gia nhập quy trình công nghệ cao của TH thông qua mô hình hợp tác xã sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu ra các thị trường quốc tế khắt khe.

Với mô hình này, Dalatmilk triển khai lắp đặt chíp điện tử cho đàn bò của nông hộ. Thông qua hệ thống ăng ten thu phát, Dalatmilk có thể giúp nông dân theo dõi sức khỏe đàn bò thông qua máy tính hoặc smartphone, từ đó đưa ra những cảnh báo sớm về sức khỏe đàn bò, cảnh báo bệnh viêm vú trước 7 ngày, tình trạng động dục, tình trạng dinh dưỡng. Người nông dân cũng sẽ được Dalatmilk cung cấp giống, thú y, thức ăn và bao tiêu thu mua sữa tươi nguyên liệu để chế biến.

Bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch hội đồng chiến lược Tập đoàn TH 

Chia sẻ về cách làm mới tại dự án ở Thanh Hóa, bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch hội đồng chiến lược Tập đoàn TH - bày tỏ mong muốn đồng hành giúp bà con nông dân làm giàu từ việc chăn nuôi bò sữa, đồng thời giúp họ tạo ra ly sữa tươi chuẩn hóa để phục vụ sức khỏe cộng đồng và hướng đến xuất khẩu.

Mô hình HTX công nghệ cao đồng hành với người nông dân chính là bước đi của tập đoàn TH để hiện thực hóa chủ trương phát triển nền kinh tế nhưng “Không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Theo bà Thái Hương, dự kiến đến năm 2025, số bò sữa mà tập đoàn TH đồng hành cùng nông dân thông qua mô hình Hợp tác xã công nghệ cao sẽ đạt khoảng 200.000 con, hướng tới chủ trương của Chính phủ "hành động quyết liệt vì nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, hướng về tiêu dùng, xuất khẩu".

Hạ Lan