Bước tiến y học: Phát hiện loại gel chữa lành tổn thương giác mạc mà không cần phẫu thuật

(SHTT) - Các nhà khoa học Mỹ đã phát triển thành công một loại gel dính có thể làm liền vết thương hoặc vết loét trên giác mạc của mắt. Đây được xem là một bước tiến y học của nhân loại.

Loại gel nói trên chứa các hóa chất kích hoạt bằng ánh sáng, không chỉ có tác dụng làm liền vết thương mà còn giúp tái tạo phần tổn thương.

Đây là loại gel trong suốt, dẻo, dính khi đựng trong lọ thuốc hoặc xilanh, nhưng khi tiếp xúc với ánh sáng xanh trong một thời gian ngắn sẽ rắn lại để thích hợp với các đặc tính của giác mạc nguyên thủy, và các tế bào giác mạc sẽ dần phát triển hòa vào gel dính.

Trong nghiên cứu thử nghiệm, các nhà khoa học sử dụng gel bao phủ 20% vết thương giác mạc rộng 3 mm và chiếu sáng trong 4 phút để gel gắn chắc vào vết thương.

Một ngày sau đó, các nhà khoa học quan sát thấy bề mặt của mắt trong suốt, mịn và không bị viêm. Theo thời gian, các mô đã được tái tạo và các mô mới rất ít khác biệt so với mô nguyên thủy.

 Bước tiến y học: Phát hiện loại gel chữa lành tổn thương giác mạc mà không cần phẫu thuật

Các nhà khoa học dự kiến bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để áp dụng công nghệ này với các bệnh nhân trong khoảng một năm tới. 

Trước đó, các nhà khoa học cũng đã tìm ra phương pháp chữa mù bằng vàng và titanium.

Theo một bài báo đăng trên Tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu từ Đại học Fudan Thượng Hải đã khôi phục thành công lại thị lực của những con chuột khiếm thị bằng cách cấy ghép các tế bào quang điện nhân tạo trực tiếp vào mắt của chúng.

Tế bào quang điện nhân tạo được tạo ra từ các dây nano titanium dioxide phủ các hạt nano vàng, các bộ cảm biến quang điện sẽ tạo ra dòng điện khi tiếp xúc với ánh sáng, điều này sẽ kích thích các nơ-ron lân cận để khôi phục phản ứng trực quan.

Để có thể kiểm tra tính hiệu quả của thụ thể nhân tạo, các nhà khoa học đã biến đổi tế bào gốc của những chú chuột tham gia thí nghiệm để các thụ thể tự nhiên thoái hóa đi. Sau đó, họ tiến hành cấy ghép và quan sát kỹ lưỡng phản ứng của chuột khi gặp ánh sáng màu xanh lá, xanh dương và tia cực tím. Lúc này, đồng tử chuột giãn ra, xác nhận các thụ cảm quang học mới đang hoạt động và phản hồi lại với ánh sáng đang chiếu. Sau tám tuần hậu phẫu thuật, không có bất kỳ con chuột nào có những biểu hiện tiêu cực hay tổn thương do không tương thích với cơ quan mới được ghép.

Hạ Linh