Sau loạt “tai tiếng” tại KĐT Ngoại Giao Đoàn, Hancorp tiếp tục “đội sổ” nợ thuế

(SHTT) - Với số nợ 3,7 tỷ đồng, Công ty cổ phần HANCORP là doanh nghiệp có số nợ nhiều nhất trong 86 doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền thuê đất đợt tháng 3/2019 do Cục thuế TP HN công bố.

Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa công khai đợt tháng 3/2019 danh sách 86 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất với tổng số nợ hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, có 23 doanh nghiệp nợ thuế phí với số tiền hơn 38,2 tỷ đồng, 1 đơn vị nợ tiền thuê đất với số nợ gần 2,3 tỷ đồng.

Theo danh sách này, có một đơn vị nợ tiền thuê đất là Công ty TNHH Hoài Nam với số nợ 2,297 tỷ đồng, còn lại 85 đơn vị nợ thuế, phí.

Trong đó, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hải Long nợ 3,085 tỷ đồng; Công ty TNHH Hỗ trợ phát triển công nghiệp điện và viễn thông nợ 2,563 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xây dựng Tam Sơn nợ 2,531 tỷ đồng; Công ty TNHH xây dựng Quân Trang nợ 1,966 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư Vinacona nợ 1,702 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng nền móng Long Xuyên nợ 1,651 tỷ đồng,…

Đáng chú ý, doanh nghiệp có số nợ lớn nhất trong đợt công bố này là Công ty cổ phần HANCORP với số nợ 3,751 tỷ đồng.

 Với số nợ 3,7 tỷ đồng, Hancorp đứng đầu danh sách "đen" nợ thuế đợt tháng 3/2019 do Cục Thuế TP Hà Nội công bố.

Thời gian qua, Hancorp liên tiếp vướng phải lùm xùm tại các dự án công ty này thực hiện, trong đó có dự án Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn nằm phía Tây hồ Tây, một dự án nhiều “tai tiếng” của Hancorp.

Khu đô thị Ngoại giao đoàn nằm tại xã Xuân Đỉnh, quận Nam Từ Liêm, có diện tích 62ha do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư. KĐT này từng được quảng bá là một trong những “dự án đáng sống nhất tại Hà Nội”.

Tuy nhiên, sau một thời gian sinh sống tại đây, nhiều cư dân đã “vỡ mộng” trước những quảng cáo “có cánh” từ phía CĐT trước đó.

Tháng 10/2017, hàng trăm cư dân đang sinh sống tại Khu Đoàn Ngoại giao ở phường Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tổ chức căng băng rôn, biểu ngữ với những nội dung phản đối chủ đầu tư Hancorp, phản đối điều chỉnh quy hoạch bởi họ lo lắng “nơi đáng sống” này sẽ bị “băm nát” bởi việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Sự việc căng thẳng từ khi Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có tờ trình số 2288/TTr-QHKT ngày 19.4.2017 gửi UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu Đoàn ngoại giao - tại các ô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, DDMKT1.

Cư dân căng băng rôn, biểu ngữ phản đối Hancorp điều chỉnh quy hoạch KĐT. 

Ngày 22.5.2017, UBND Thành phố đã có quyết định số 2905/QĐ-QHKT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch này. Theo đó, các ô đất trên đều được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu. Như ô đất ký hiệu CC2 có diện tích khoảng 9.549m2 trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5% nay được điều chỉnh với mật độ xây dựng tăng lên 40%.

Ô đất ký hiệu CC3-4 có diện tích 4.044m2, trước đây có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng thì nay được được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất công cộng đô thị (công cộng, dịch vụ thương mại văn phòng), nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình là 15 tầng + 3 tầng hầm.

Ô đất CC5 trước đây có diện tích 8.664m2 được quy hoạch là đất công cộng, dịch vụ, thương mại với mật độ xây dựng 30%, tầng cao trung bình là 7 tầng thì nay được điều chỉnh thành lô đất có ký hiệu HH1, chức năng là đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại, văn phòng, nhà ở) với mật độ xây dựng nâng lên 41%, tầng cao công trình 27 tầng + 3 tầng hầm với dân số khoảng 1.505 người.

Ô đất ĐMKT1 có chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện) không xác định tầng cao mật độ nhưng nay điều chỉnh thành đất công cộng với mật độ 40%, tầng cao trung bình 12 tầng+ 2 tầng hầm.

Phản ánh đến báo chí, cư dân cho biết họ rất bức xúc vì chủ đầu tư thay đổi quy hoạch nhưng không lấy ý kiến người dân, đưa họ vào thế hoàn toàn bị động. Cư dân cho rằng việc phá vỡ quy hoạch khi cho phép nhiều ô đất công cộng thành chung cư cao tầng khiến họ lo ngại về chất lượng hạ tầng…

Sự việc gây “lùm xùm” trong một thời gian dài và khiến Hancorp vướng nhiều “tai tiếng”.

Hải Lan