Buôn bán tem nhôm giả: Lĩnh án 30 tháng tù giam

(SHTT) - Hiện nay, một số đối tượng, doanh nghiệp buôn bán tem nhãn giả nhái thương hiệu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi bất chấp quy định pháp luật.

 Theo số liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), năm 2018, lực lượng Cảnh sát kinh tế trên cả nước đã phát hiện, điều tra xử lý 467 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT). Trong đó khởi tố 65 vụ/84 bị can; chuyển xử lý hành chính 402 vụ, còn một số vụ việc là hàng hóa giả mạo, xâm phạm SHTT nhưng không chứng minh được đối tượng liên quan (hàng vô chủ) nên chỉ tịch thu, tiêu hủy.

 Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an tỉnh Thái Bình bắt quả tang xe tải BKS 99C - 10054 đang vận chuyển 1,4 tấn tem mang nhãn hiệu nhôm giả.

Đối tượng xâm phạm SHTT chủ yếu là “xâm phạm quyền” đối với nhãn hiệu (cách điệu chữ viết, hình ảnh) và kiểu dáng (màu sắc, hình dáng) công nghiệp đã được bảo hộ.

Nếu như trước đây, việc vi phạm thường chỉ là những người có trình độ dân trí thấp, thất nghiệp hoạt động nhỏ lẻ thì nay có xu hướng chuyển sang thành phần có trình độ nhận thức, học vấn, thậm chí có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết chính sách, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.

Trước đó, ngày 13/12/2017, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an tỉnh Thái Bình, đã bắt quả tang xe tải BKS 99C - 10054 đang vận chuyển 1,4 tấn tem mang nhãn hiệu nhôm giả. Lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ cho số hàng trên.

 Lái xe vận chuyển lô tem giả khai nhận tại cơ quan công an.

Trong quá trình điều tra cho thấy bà Ngô Thị Oanh (37 tuổi, hộ khẩu thường trú tại Quế Võ, Bắc Ninh) là người mua 1,4 tấn tem trên từ Trung Quốc để bán lại kiếm lời. Dựa vào các căn cứ trên, công an tỉnh Thái Bình đã quyết định khởi tố bị can Ngô Thị Oanh theo điều 156 Bộ luật Hình sự về tội buôn bán hàng giả.

Sáng ngày 28/2, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa xét xử hành vi buôn bán hàng giả của bị cáo Ngô Thị Oanh.

Phía đại diện VKS nhận định việc buôn bán số lượng tem nhôm giả đã gây thiệt hại về uy tín, thương hiệu (chưa đề cập đến thiệt hại kinh tế) nên đề nghị mức án 30 tháng tù giam cho tội danh buôn bán hàng giả đối với bị cáo.

 Lô tem nhôm giả bị thu giữ.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyêt phạt bị cáo Ngô Thị Oanh 30 tháng tù giam với tội danh “Buôn bán hàng giả” theo điều 156 Bộ luật Hình sự.

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, việc Công an tỉnh Thái Bình khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vụ bắt giữ 1,4 tấn tem giả đã góp phần tích cực vào công tác phòng chống hàng giả vì thực chất đây là vụ việc hiếm hoi về sản xuất, buôn bán tem giả bị bắt giữ và khởi tố. Tem giả là loại hàng giả đặc biệt nguy hiểm bởi một khối lượng tem giả nhỏ sẽ tiếp tay cho một số lượng hàng giả lớn gấp nhiều lần.

Nhóm PV SHTT