Mầm cây đầu tiên trên Mặt trăng "chết yểu"

(SHTT) - Sau khi trở thành đất nước đầu tiên đáp tàu thăm dò vũ trụ xuống phần tối của Mặt trăng, Trung Quốc lại gây bất ngờ khi là quốc gia gieo hạt giống trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, với môi trường và khí hậu khắc nghiệt, mầm non này đã chết sau hơn 10 ngày nảy mầm.

Trong bức ảnh được gửi về trái đất hôm 12/1, mầm cây dường như đang phát triển tốt sau 9 ngày được trồng xuống. Trường Đại học Trùng Khánh, đơn vị chịu trách nhiệm cho dự án này, đã công bố những thành tựu của hoạt động này trước báo chí. Theo đó, chiếc lá xanh đầu tiên của cây đã được nhìn thấy sau khi hạt nảy mầm.

Tàu thăm dò Chang'e 4 (Hằng Nga 4) của Trung Quốc đã thực hiện thành công một sứ mệnh quan trọng, đó là hạ cánh lên bề mặt ở vùng tối của Mặt trăng. Không chỉ vậy, tàu Hằng Nga 4 còn có một khoang chứa đặc biệt để thử nghiệm trồng cây, trong điều kiện kiểm soát và môi trường trọng lực rất thấp.

Giáo sư Xie Gengxin, giám đốc Viện nghiên cứu Công nghệ tiến bộ Đại học Trùng Khánh, đồng thời là trưởng dự án nhấn mạnh: "Thí nghiệm cho phép những mầm cây nảy được ở mặt trăng không có sự sống". Không có bầu khí quyển, hay nước, mầm cây trên mặt trăng phải tiếp xúc với những điều kiện khắc nghiệt nhất như chênh lệch nhiệt độ, bức xạ mạnh.  Tuy nhiên, cây vẫn nằm trong môi trường kín.

Hình ảnh mầm cây được gửi về hôm 12 tháng 1

Trong sứ mệnh của mình, tàu Hằng Nga 4 của Trung Quốc thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trong đó có dò tìm nước tại các cực của mặt trăng. Một nhiệm vụ khác là kiểm tra xem thực vật có thể phát triển trong môi trường trọng lực thấp hay không. Hạt nảy mầm cho thấy thí nghiệm đã thành công một phần. Hệ thống trong tàu vũ trụ bắt đầu tưới nước cho các hạt khi tàu thăm dò hạ cánh. Chưa đầy một tuần sau, chồi non đã xuất hiện.

Ngoài hạt bông, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang nỗ lực tìm phương pháp để cho hạt cải, khoai tây nảy mầm. Các thí nghiệm sẽ cho thấy cuộc sống phát triển như thế nào trong môi trường bức xạ cao và trọng lực yếu. Thậm chí, nó có thể cung cấp những dữ liệu quan trọng để giúp con người có thể sống trên mặt trăng trong tương lai.

Tuy nhiên, mầm cây muốn nảy mầm và sinh dưỡng tốt phụ thuộc rất nhiều vào ánh sáng Mặt Trời. Khi đêm xuống và nhiệt độ ở vùng tối hạ thấp tới -170 độ C, nó không thể sống sót. Giáo sư Xie Gengxin tại Đại học Trùng Khánh cho biết, các nhà khoa học cũng đã có những ước tính về tuổi thọ ngắn ngủi của cây bông: "Sự sống bên trong hộp cây không thể vượt qua được đêm lạnh khắc nghiệt của Mặt Trăng".

Sứ mệnh của tàu Hằng Nga 4 vẫn chỉ là một phần trong nỗ lực chinh phục không gian của Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng đã công bố triển khai một đợt thăm dò khác mang tên Hằng Nga 5 với tàu vũ trụ đáp xuống, thu thập mẫu vật trên mặt trăng và đưa nó trở về trái đất. Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh công cuộc chinh phục không gian của mình với dự định sẽ đưa tàu không gian của mình lên sao Hỏa vào năm 2020

Hạt giống đầu tiên được Trung Quốc mang lên vùng tối Mặt Trăng đã nảy mầm

Trung Quốc vượt Nga, Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử chinh phục thế giới Mặt Trăng

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trái Đất thực sự bằng phẳng?

Việt Hương