Tàu vũ trụ Trung Quốc thành công đáp xuống vùng tối của Mặt Trăng

(SHTT) - Ngày 3/1/2019, tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã đáp thành công lên lòng chảo Aitken - miệng núi lửa lớn nhất, sâu nhất và lâu đời nhất trên Mặt Trăng - và giúp đất nước này chính thức ghi danh trở thành quốc gia đầu tiên khám phá vùng tối của Mặt trăng

 Sau khi thành công đáp xuống vùng tối của Mặt Trăng, Hằng Nga 4 sẽ chính thức thực hiện nhiệm vụ khám phá bề mặt địa chất va thực hiện các nghiên cứu nhằm xác định nguồn nước cũng như điều kiện tồn tại sự sống tại khu vực này. 

Hình ảnh đầu tiên mà Hằng Nga 4 gửi về Trái Đất từ Vùng tối của Mặt Trăng.

Hằng Nga 4 sẽ thực hiện một số thí nghiệm sinh học để xem liệu hạt giống có thể nảy mầm không và trứng tằm có nở trong điều kiện trọng lực thấp của mặt trăng hay không.

Sứ mệnh của Hằng Nga 4 nằm trong một chương trình lớn hơn nhằm khám phá Mặt Trăng của Trung Quốc với mục tiêu đưa con người trở lại đây vào năm 2030.

Vùng tối hay vùng xa của mặt trăng là khu vực chưa bao giờ hướng về Trái đất và con người không thể nhìn thấy. Vùng tối có địa hình khác với vùng sáng với lớp vỏ dày hơn và nhiều miệng hố hơn.

Việc liên lạc giữa các thiết bị ở vùng tối với trái đất khá khó khăn, do đó, vào tháng 5, Trung Quốc đã phóng vệ tinh Queqiao lên vũ trụ đóng vai trò trung gian giúp Hằng Nga 4 liên lạc tốt hơn với trung điều khiển tại Trái đất.

Những hình ảnh đầu tiên của Hằng Nga 4 gửi về trái đất cho thấy bề mặt vùng tối tương đối bằng phẳng nhưng có nhiều đá và thỉnh thoảng xuất hiện các hố lớn.

Tàu Hằng Nga 4 được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, phía tây nam Trung Quốc vào sáng sớm ngày 8/12/2018 và sau 22 ngày, nó đã bay đến mặt trăng.

Nơi mà tàu thăm dò Hằng Nga 4 hạ cánh có thể sẽ trở thành căn cứ hậu cần trong tương lai cho các nhiệm vụ tiến sâu vào vũ trụ của Trung Quốc.

 

Vì vùng tối của mặt trăng sẽ không thể liên lạc trực tiếp từ trái đất nên trước đó Trung Quốc đã phóng lên một vệ tinh để hoạt động như một trạm chuyển tiếp tín hiệu để tàu đổ bộ và xe tự hành có thể thường xuyên truyền thông tin về trái đất.

Vào năm 2013, Trung Quốc cũng đã cho tàu thám hiểm Hằng Nga 3 hạ cánh an toàn xuống bề mặt mặt trăng và trở thành 1 trong 3 quốc gia đã thực hiện đổ bộ xuống mặt trăng sau Liên Xô và Mỹ.

Tuy nhiên dự án Hằng Nga 3 đã không mấy thuận lợi khi xe tự hành của nó đã gặp vấn đề khi hạ cánh nên sau 1 tháng, chiếc xe này chỉ di chuyển được một hành trình hơn 113m. Sau đó nó vẫn tiếp tục truyền hình ảnh và nhiều thông tin khác về trái đất cho đến khi ngừng hoạt động hoàn toàn vào tháng 3/2015.

Hải An