Hawaii chuẩn bị tiến hành dự án kính thiên văn khổng lồ trị giá một tỷ USD

(SHTT) - Bất chấp sự phản đối đông đảo của người dân trong khu vực, Tòa án Tối cao Hawaii mới đây đã chính thức phê duyệt và cấp phép triển khai cho dự án kính thiên văn khổng lồ trị giá một tỷ USD thực hiện trên ngọn núi lửa Mauna Kea vào năm 2019.

 Dự án này có tên Kính thiên văn Ba mươi mét. Đây là dự án kính viễn vọng cực lớn của Đài quan sát Quốc tế TMT, bao gồm một gương chính có đường kính 30 m (được ghép từ 492 gương lục giác nhỏ), một gương thứ cấp rộng 3,6 m và một gương phẳng dùng để hướng sáng. Tất cả được đặt bên trong một mái vòm rộng 60 m với 98 lỗ thông gió. Khi hoàn thành, TMT sẽ trở thành kính thiên văn lớn nhất và đắt nhất ở khu vực Bắc Bán cầu.

 Kính thiên văn Ba mươi mét  là thiết bị dùng để săn ngoại hành tinh và tìm kiếm những bí ẩn trong những khu vực vũ trụ xa xôi nhất.

Theo kế hoạch đệ trình, công trình này sẽ được đặt trên đỉnh núi nửa Mauna Kea, thuộc đảo Hawaii, ở độ cao 4,050 m so với mực nước biển, vị trí lý tưởng để săn ngoại hành tinh và nghiên cứu những vùng không gian xa xăm trong vũ trụ.

Tuy nhiên, trước khi nhận được tiếng gõ đồng tình từ Tòa án Tối cao Hawaii, dự án đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân bản xử bởi địa điểm đặt kính thiên văn là vùng đất thiêng trong văn hóa và tôn giáo của họ.

Trong quá khứ, dự án TMT cũng đã từng được triển khai vào năm 2015, tuy nhiên Tòa án Tối cao Hawaii buộc phải thu hồi giấy phép xây dựng do sức ép phản đối của người dân địa phương quá lớn. Tại thời điểm đó, đài quan sát Quốc tế TMT thậm chí còn phải xem xét chuyển địa điểm đặt kính thiên văn sang quần đảo Canaria trên Đại Tây Dương như một biện pháp thay thế. Nhưng sau nhiều cuộc chiến pháp lý, mới đây, dự án cuối cùng cũng được cấp lại giấy phép xây dựng, lần đầu tiên kể từ năm 2015.

"Thay mặt Đài quan sát Quốc tế TMT, chúng tôi rất biết ơn phán quyết của Tòa án Tối cao Hawaii. Cảm ơn tất cả thành viên trong hội đồng về sự ủng hộ của họ trong cả quá trình", Henry Yang, Chủ tịch Hội đồng Thống kê Đài quan sát Quốc tế TMT nói trong một tuyên bố.

Nam An