9 tháng đầu năm: Lợi nhuận sau thuế BIDV đạt trên 5.800 tỷ, nhưng nợ xấu vượt mốc 17.000 tỷ đồng

(SHTT) - Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế và sau thuế BIDV đạt 7.254 tỷ đồng và 5.816 tỷ đồng, tăng lần lượt 30,5 và 35% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 78% kế hoạch kinh doanh năm 2018 đã đề ra.

Tuy nhiên, tính đến cuối kỳ, nợ xấu của ngân hàng đã tăng mạnh so với đầu năm lên mức 17.042 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,76% tổng dư nợ.

 

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (mã CK: BID) đã công bố BCTC hợp nhất Quý III năm 2018 và 9 tháng đầu năm với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất Quý III của BIDV đạt 1.810 tỷ đồng, tăng 22% so với Quý III/2017. Lũy kế 9 tháng đầu năm, BIDV báo lãi ròng 5.816 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 35% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này có được là nhờ hoạt động tín dụng của nhà băng này tăng trưởng mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm, khi tổng thu nhập hoạt động tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 32.865 tỷ đồng, trong đó các mảng hoạt động đều đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 25.616 tỷ đồng, tăng 11,31% so với cùng kỳ năm trước; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 2.541 tỷ đồng, tăng trưởng 18,74 %; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 797 tỷ đồng, tăng 55%.

Đáng chú ý, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt gần 682 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước, trong khi lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 14,2 lần, với 221 tỷ đồng.

Ngoài ra, BIDV cũng có khoản lãi từ hoạt động khác 2.866 tỷ đồng và thu nhập từ góp vốn mua cổ phần 142 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 8,7% so với cùng kỳ lên 11.246 tỷ đồng và BIDV cũng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro 14.365 tỷ đồng, tăng 20,8%, lợi nhuận trước thuế của BIDV vẫn tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.254 tỷ đồng, hoàn thành 78% kế hoạch kinh doanh năm 2018 đã đề ra.

 Nguồn: BCTC hợp nhất Quý III/2018 BIDV

Tính đến ngày 30/9/2018, BIDV có tổng tài sản đạt 1.268.413 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm. Trong đó, huy động tiền gửi khách hàng đạt 953.513 tỷ đồng, tăng trưởng 10,9%. Cho vay khách hàng đạt 968.752 tỷ đồng, tăng 11,75% so với đầu năm. 

Cùng với đà tăng của tín dụng, nợ xấu của BIDV cũng tăng trưởng đột biến từ mức 14.064 tỷ đồng lên 17.042 tỷ đồng, riêng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã tăng 47,3% so với đầu năm lên 7.707 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cũng tăng lên 1,76% trong khi đầu năm chỉ là 1,62%.

Tại thuyết minh BCTC kỳ này của BIDV không nhắc đến khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến hết Quý II năm nay, giá trị trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành ở mức 17.611 tỷ đồng, trong đó, Ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 8.345 tỷ đồng.

Được biết, mới đây, Chính phủ đã chấp thuận đề án phát hành 17,65% cổ phiếu đang lưu hành của BIDV với tư cách là đối tác chiến lược sau gần hai năm chờ đợi. Số lượng phát hành riêng lẻ là hơn 603 triệu cổ phiếu, thời gian dự kiến từ Quý IV/2018 đến 2019.

Theo đó, giá phát hành có thể được xác định dựa trên giá bình quân 10 phiên trong vòng 6 tháng kể từ ngày có phương án chấp thuận bán cổ phần và không được thấp hơn BVPS gần nhất và định giá của một đơn vị định giá độc lập.

Ánh Phượng